Mô hình kinh tế Bến Tre Quản Lý Mùa Vụ Nuôi Tôm Biển Ngày Càng Đi Vào Nền Nếp, Hiệu Quả

Bến Tre Quản Lý Mùa Vụ Nuôi Tôm Biển Ngày Càng Đi Vào Nền Nếp, Hiệu Quả

Ngày đăng 17/11/2014

Bến Tre Quản Lý Mùa Vụ Nuôi Tôm Biển Ngày Càng Đi Vào Nền Nếp, Hiệu Quả

Năm 2014, diện tích nuôi thủy sản 47.202ha, đạt 106% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển 35.953ha, đạt 112% kế hoạch năm, bao gồm diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đã thả giống quay vòng được 10.694ha (tôm sú 1.491ha, tôm chân trắng 9.203ha); diện tích nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa 25.259ha, đạt 100% kế hoạch năm.

Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 245.300 tấn, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm biển 54.300 tấn, đạt 102% kế hoạch năm và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Triển khai nhiều giải pháp hạn chế dịch bệnh

Đến cuối tháng 10-2014, tổng diện tích thiệt hại trên tôm biển nuôi thâm canh, bán thâm canh 1.200ha, chiếm 11% diện tích thả nuôi, giảm 5,16% so với cùng kỳ. Tôm chết nhiều ở giai đoạn từ 25 - 40 ngày tuổi, một số ít ở giai đoạn 50 - 80 ngày tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô dưới vỏ (IHHNV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Tôm nuôi quảng canh cải tiến, tôm rừng, tôm lúa, dịch bệnh xảy ra rải rác, nhưng không gây thiệt hại nhiều. Nguyên nhân thiệt hại do thời tiết đầu năm 2014 diễn biến phức tạp, có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi thủy sản chủ yếu là hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa được đầu tư đồng bộ. Do giá tôm tăng cao và ổn định nên đa số cơ sở nuôi nôn nóng thả giống để được nhiều vụ, không thực hiện đúng quy trình cải tạo và xử lý ao nuôi, mật độ thả cao. Nhiều hộ thả giống liên tục 3-4 vụ/năm, mật độ trên 80 con/m2.

Ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định sản xuất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Một số giải pháp chính như sau: Xây dựng hoàn chỉnh dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm hướng dẫn người dân nuôi tôm chân trắng theo đúng định hướng, hiệu quả và bền vững. Công bố lại các quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản 3 huyện ven biển; quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng đến các ngành huyện, thành phố và các xã có liên quan đến quy hoạch thủy sản.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp-phích. Các lớp tập huấn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, những quy định về nuôi và phòng, chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức của người nuôi, đảm bảo phát triển nuôi thủy sản ổn định. Đã tổ chức 4 cuộc hội thảo, 70 lớp tập huấn kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản

Hàng năm, Bến Tre được Trung ương phân bổ vốn để đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Đến nay, cơ bản các vùng nuôi tôm biển tập trung đã có hệ thống kênh cấp, kênh thoát hoàn chỉnh.

Ngoài ra, ngành còn đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi cho 5.483ha nuôi trồng thủy sản được cấp, thoát nước chủ động và đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống tập trung xã Thừa Đức, huyện Bình Đại và khu sản xuất giống tập trung xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014 trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý lịch mùa vụ nuôi tôm biển, tham mưu UBND tỉnh ban hành lịch mùa vụ nuôi tôm biển năm 2014 và các văn bản có liên quan đến công tác quản lý mùa vụ nuôi tôm biển. Tỉnh đã chỉ đạo tạm ngưng vụ nuôi tôm biển năm 2014, từ ngày 1-10-2014.

Quan trắc môi trường, dịch bệnh 2 kỳ/tháng, tăng tần suất quan trắc khi môi trường diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường 21 đợt, thu 952 mẫu giáp xác trên các tuyến kênh rạch chính, qua kiểm tra phát hiện 169 mẫu nhiễm vi-rút đốm trắng, chiếm 17,8%, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2013.

Thực hiện tốt công tác dập dịch, trong năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận 40 tấn hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho hộ dân nuôi tôm tiêu hủy mầm bệnh. Triển khai, thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh như tổ chức thu mẫu định kỳ trên tôm giống, tôm thịt để phân tích và cảnh báo, khuyến cáo kịp thời.

Phối hợp với địa phương xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh xã An Đức, huyện Ba Tri với tổng diện tích 100ha, diện tích mặt nước nuôi 76,8ha. Kết quả vụ nuôi thứ nhất diện tích thiệt hại 14,3ha/76,8ha, chiếm 18,6% diện tích thả nuôi, giảm 61,4% so với vụ 1 năm 2013 (80%); đang tiếp tục triển khai vụ 2.

Trên lĩnh vực sản xuất tôm giống, ngoài nguồn kinh phí từ chương trình giống nông nghiệp thủy sản hàng năm được giao, tỉnh còn chú trọng công tác xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất giống tôm biển. Tuy nhiên, trong những năm qua, lượng giống sản xuất trong tỉnh không đáp ứng nhu cầu nghề nuôi, nên phần lớn người nuôi phải nhập giống từ các tỉnh miền Trung.

Thực hiện tái kiểm 100% lượng giống tôm biển nhập tỉnh bằng phương pháp PCR đối với bệnh đốm trắng và taura. Triển khai 94 đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động nhập giống vào tỉnh, phát hiện 80 trường hợp vận chuyển giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không ghé trạm, vượt số lượng; lập biên bản vi phạm xử lý theo quy định 57 trường hợp. Tổng lượng giống tôm biển qua kiểm dịch đạt 6.551 triệu con (tôm sú: 484 triệu con; tôm chân trắng: 6.067 triệu con). Trong đó, nhập tỉnh 5.997 triệu con, sản xuất trong tỉnh 554 triệu con.

Tổ chức lại sản xuất theo định hướng kế hoạch tái cơ cấu ngành Thủy sản và liên kết 4 nhà. Đẩy mạnh sản xuất theo mô hình Ban quản lý vùng nuôi, đến nay toàn tỉnh thành lập mới được 119 ban quản lý vùng nuôi theo quy định mới của UBND tỉnh.

Triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP vào nuôi tôm biển; kiểm tra cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; điều kiện an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, phục vụ tốt cho yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay, có 1 khu nuôi tôm đạt GlobalGAP và 1 khu nuôi đạt ASC; 1 khu nuôi tôm biển thực hiện theo quy trình ứng dụng công nghệ cao với 4ha mặt nước nuôi.

Tăng cường quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học

Về kiểm tra chất lượng, đã thu 115 mẫu (39 mẫu thức ăn, 76 mẫu thuốc thú y) kiểm định chất lượng, có 39 mẫu thức ăn đạt yêu cầu chất lượng; 30 mẫu thuốc thú y không đạt chất lượng.

Kiểm tra danh mục được phép lưu hành, nhãn hàng hóa, chất cấm sử dụng,… đối với 360 mẫu sản phẩm là thức ăn chăn nuôi thủy sản và thuốc thú y thủy sản. Qua kiểm tra, phát hiện 32 mẫu vi phạm về nhãn hàng hóa, danh mục lưu hành, chất lượng sản phẩm...

Ngoài ra, còn tổ chức 6 cuộc thanh tra, kiểm tra quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản và 2 cuộc thanh tra, kiểm tra quản lý môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; 4 cuộc thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tổng kiểm tra 198 cơ sở, phát hiện 56 cơ sở chưa đạt yêu cầu, đã nhắc nhở, buộc cam kết thực hiện đầy đủ theo quy định.

Đến nay, kiểm tra 198 cơ sở sản xuất giống và kinh doanh thủy sản, gồm 66 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm; 132 cơ sở sản xuất giống và kinh doanh giống. Qua kiểm tra lần đầu, nuôi thương phẩm (23 cơ sở loại A và 30 cơ sở loại B, 13 cơ sở loại C); sản xuất, kinh doanh giống (14 cơ sở đạt loại A, 86 cơ sở loại B, 31 cơ sở loại C).

Thực hiện tái kiểm tra 13 cơ sở nuôi thương phẩm loại C: kết quả có 4 cơ sở lên loại A và 9 cơ sở lên loại B; tái kiểm tra 31 cơ sở sản xuất kinh doanh giống, kết quả có 4 cơ sở lên loại A và 17 cơ sở lên loại B, còn 10 cơ sở kinh doanh giống vẫn bị loại C.

Kiểm tra lần đầu 115 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản; qua kiểm tra có 26 cơ sở đạt loại A, 87 cơ sở đạt loại B, 3 cơ sở loại C. Đã thực hiện tái kiểm tra 3 cơ sở sản xuất thức ăn và kinh doanh thuốc thú y thủy sản loại C: kết quả, 3 cơ sở này được xếp lên loại B.

Qua kiểm tra cho thấy, đa số cơ sở chấp hành tốt các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng vẫn còn một số cơ sở không đảm bảo điều kiện theo qui định như: không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống, không có kết quả xét nghiệm bệnh định kỳ thủy sản nuôi. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở khắc phục và sẽ tiếp tục tổ chức tái kiểm tra các cơ sở còn bị loại C.

Mùa vụ nuôi năm 2015, dự kiến tổng diện tích nuôi thủy sản là 46,8 ngàn héc-ta; trong đó: nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh thả giống quay vòng 10 ngàn héc-ta (tôm chân trắng 8 ngàn héc-ta, tôm sú 2 ngàn héc-ta); điều kiện tổng sản lượng thủy sản nuôi 251,5 ngàn tấn; trong đó: sản lượng tôm biển 56 ngàn tấn, kiểm dịch giống tôm biển: 4,9 tỷ con.

Nguồn bài viết: http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=39332


Nuôi Vịt Biển Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả, Cần Nhân Rộng Nuôi Vịt Biển Mô Hình Sản Xuất Hiệu… Nông Dân Nuôi Tôm Nước Lợ Được Vụ Mùa Thắng Lợi Nông Dân Nuôi Tôm Nước Lợ Được Vụ…