Bến Tre tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ
Ba Tri có hộ thiệt hại đến 90%
Dọc cánh đồng An Hiệp, An Đức huyện Ba Tri, vào những ngày này, đồng đất đã khô gốc rạ, mà lẽ ra hiện nay, lúa vẫn chưa tới ngày thu hoạch. Hộ ông Nguyễn Văn Do, ở ấp 9, xã An Đức, có đống rơm khá cao nhưng chỉ vỏn vẹn mấy chục bao lúa. “Thường thì vụ này sẽ được hơn 2 tấn lúa tươi, nay chưa tới 1 tấn. Do lúa chín sớm nên hạt chưa đầy, kêu bán nhưng thương lái không mua” - ông Do cho biết. Trong khi đó, gần ruộng ông Do, hơn 10 công lúa của ông Lê Văn Yên, thu cũng chỉ khoảng hơn 3 tấn lúa và chất lượng lúa cũng không hơn gì lúa nhà ông Do. Hộ bà Bùi Thị Cẩm, ở xã An Hiệp cho biết, chỉ thu được khoảng 4 tấn lúa, trong khi các năm trước, vụ này 10 công của bà thu phải hơn 6 tấn.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri cho biết: Tổng diện tích lúa của huyện hiện nay là 12,3 ngàn héc-ta. Chỉ riêng 2 xã An Hiệp và An Đức tổng cộng gần 150ha lúa bị chín sớm, thiệt hại nặng nề. Các xã còn lại cũng bị ảnh hưởng khoảng 10% diện tích lúa. Các xã ven sông Hàm Luông, ven biển chịu thiệt hại nhiều nhất do cuối nguồn nước, có hộ đã thiệt hại lên đến 90%. Riêng các xã Mỹ Hòa, Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, Tân Mỹ, Mỹ Thạnh… ngoài lý do nước mặn sớm, còn do đỉnh triều từ nguồn quá thấp, dòng chảy yếu dẫn đến một lượng nước lớn bị ứ đọng, khiến phèn lên cao, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá nhiều.
Cần thiết thay đổi lịch thời vụ
Lịch thời vụ ở tỉnh Bến Tre thường trễ hơn các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long từ 15 - 30 ngày. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi về thị trường tiêu thụ, nhưng cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro trong canh tác, bởi rất dễ bị tác động của thời tiết làm thiệt hại nặng nề.
Trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt Bến Tre lại là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nên lịch thời vụ cũng cần phải có sự thay đổi cho hợp lý hơn. “Riêng Ba Tri, chúng tôi đã thống nhất việc chọn giống lúa sao cho ngắn ngày hơn, xem xét thời điểm xuống giống là vô cùng quan trọng. Chỉ làm 2 vụ đối với một số địa phương dễ bị ảnh hưởng của việc xâm nhập mặn để rút ngắn thời vụ, tránh mùa nước mặn và sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để tạo nguồn cung hợp lý và hấp dẫn hơn cho các công ty thu mua. Hiện nay, việc vận động bà con thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri chia sẻ.
Do địa hình phân bố diện tích lúa không đều, nhiều cánh đồng nhỏ lẻ, rời rạc nên việc quy hoạch để thực hiện mô hình cánh đồng mẫu sẽ dẫn đến có nhiều vùng ven thành rìa và người dân sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng đến mục đích sử dụng đất từng địa phương.
“Một vài xã như Tân Thanh, Hưng Nhượng, Bình Thành, huyện Giồng Trôm có diện tích lúa dọc tuyến tránh lộ 885 xuống Ba Tri, chúng tôi đang vận động bà con không nên trồng lúa nữa bởi hàng năm đều bị phèn, mặn gây thiệt hại, do lượng nước bị tù đọng mà không thể xả kịp” - ông Lê Văn Cảnh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm nêu giải pháp đối với địa phương này.
Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc thay đổi lịch thời vụ ở một vài địa phương dễ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn là cần thiết. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang không ngừng tìm giống mới để thay thế một số giống đã già cỗi nhằm phục vụ tốt hơn cho thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc hoàn chỉnh hệ thống đê bao là việc quan trọng nhất và là giải pháp căn cơ nhất để tránh thiệt hại cho mùa màng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ