Cây keo Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 1

Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 1

Tác giả Nguyên Huân, ngày đăng 03/10/2020

Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 1

Bệnh chết héo cây keo là vấn đề được ông Nguyễn Văn Thành (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) và nhiều bạn đọc quan tâm và hỏi về biện pháp phòng tránh.

Hình ảnh bệnh chết héo trên cây keo. Ảnh: VAFS.

Hỏi:

Gần đây ở quê tôi (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bệnh chết héo ở cây keo diễn ra phức tạp. Xin hỏi nguyên nhân gây bệnh. Bệnh này có nguy hiểm không và cách phòng ngừa thế nào?

Trả lời:

Bệnh chết héo cây keo là gì? 

Bệnh chết héo cây keo là loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát thành dịch cao, đã gây chết hàng triệu ha rừng trồng keo tại Indonesia và Malaysia. Để phòng trừ bệnh chết héo cây keo kịp thời, tránh nguy cơ bùng phát thành dịch, gây thiệt hại lớn đến sản xuất lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) có một số nội dung khuyến cáo.

Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các loài keo tai tượng, keo lá tràm và keo lai có khả năng sinh trưởng nhanh, chu kỳ kinh doanh ngắn. Gỗ keo đang được ưa chuộng trên thị trường đồ mộc ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt khi nguồn cung gỗ nguyên liệu từ rừng tự nhiên đã cạn kiệt.

Chính vì vậy, nhóm loài keo hiện đang là một trong những nhóm loài cây trồng rừng chủ lực và đang được quan tâm phát triển trên diện tích rộng với quy mô lớn ở nước ta, tính đến hết năm 2019 đạt khoảng 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, việc kinh doanh rừng theo hướng trồng thuần loài với quy mô lớn đã tạo một sinh cảnh mới thuận lợi cho một số dịch hại phát sinh mạnh.

Rừng trồng keo ở nhiều nước trên thế giới đã bị nhiễm bệnh chết héo do nấm Ceratocystis, trong đó rừng trồng keo tại Indonesia và Malaysia đã bị nhiễm bệnh rất nghiêm trọng.

Đến nay, Malaysia đã ghi nhận khoảng 300.000ha rừng keo lai và keo tai tượng bị nhiễm bệnh chết héo, trong đó đã phải thanh lý hàng trăm nghìn ha để chuyển đổi sang trồng bạch đàn. Năm 2017, tại Indonesia đã ghi nhận hơn 1 triệu ha rừng keo bị bệnh chết héo, tỷ lệ bị bệnh trên 60%.

Toàn bộ các diện tích rừng bị nhiễm bệnh đã phải tiêu hủy và chuyển đổi sang trồng bạch đàn. Điển hình nhất là hơn 500.000ha rừng trồng keo tại đảo Sumatra, Indonesia đã bị nhiễm bệnh và đã phải tiêu hủy, sau đó chuyển đổi trồng bạch đàn nhưng hiện tại rừng trồng bạch đàn cũng đang bị bệnh cháy lá và bệnh chết héo do vi khuẩn Ratonia gây ra.

Hình ảnh bệnh chết héo keo tai tượng. Ảnh: Vafs.

Bệnh chết héo keo tại Việt Nam

Bệnh chết héo keo đã được ghi nhận tại Việt Nam từ năm 2008. Năm 2015, rừng trồng keo lai và keo tai tượng ở nhiều nơi đã bị nhiễm bệnh chết héo với tỷ lệ bị bệnh từ 12-25%, cá biệt có một số diện tích bị hại nặng, tỷ lệ bị bệnh có thể từ 40-70% như một số diện tích rừng trồng keo thuộc tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa - Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Cà Mau.

Tổng diện tích rừng trồng keo bị bệnh chết héo thống kể được thuộc 17 tỉnh là trên 2.000ha. Kết quả theo dõi định kỳ hàng năm cho thấy bệnh chết héo đang có xu hướng lan rộng và tăng nặng hơn theo thời gian. Năm 2016, Tổng công ty Giấy Việt nam ghi nhận hơn 1.500ha rừng bị nhiễm bệnh.

Năm 2019, kết quả điều tra bệnh chết héo tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam cho thấy một số diện tích bị hại nặng và đã phải thanh lý. Đặc biệt Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài (Phú Thọ) đã thống kê số lượng cây chết héo từ năm 2015 đến 2019, tổng số cây bị chết héo hằng năm tương ứng khoảng 50ha/năm. Đến nay, bệnh chết héo ghi nhận đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương trồng keo.

Theo GS.TS Võ Đại Hải, trong những năm qua Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu nhiều đề tài, mô hình lâm sinh nhằm tìm ra các biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo do nấm Ceratocystis sp cho keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng, qua đó bước đầu tìm ra một số quy trình, giải pháp sau:

Nguyên nhân gây bệnh chết héo cây keo

Từ 225 mẫu cây bị bệnh đã phân lập được 110 mẫu nấm gây bệnh chết héo. Trình tự đoạn gen β-tubulin 1 của các chủng nấm gây bệnh được so sánh với các chủng tham chiếu thuộc các loài thuộc chi Ceratocystis. Kết quả đã xác định các chủng nêu trên tương đồng trên 99,6-100% với loài Ceratocystis manginecans.

Đặc điểm sinh học nấm Ceratocystis manginecans

Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm C. manginecans là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt.

Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo nhưng lá vẫn treo trên cây. Sau đó lá héo khô, rụng và cây chết.

Cơ chế gây bệnh: Nấm xâm nhiễm vào cây thông qua các vết thương, nấm phát triển làm bít mạch dẫn nước từ rễ lên ngọn làm cho tán cây thiếu nước, lá bị héo và sau đó làm cây chết. Nấm gây hại tập trung ở giai đoạn 1-3 năm tuổi, thời gian ử bệnh từ 3-6 tháng.

Nấm gây bệnh chết héo xâm nhiễm vào cây chủ trong các tháng có độ ẩm cao và các tháng có lượng mưa nhiều. Thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh nặng nhất trong các tháng sau mùa mưa.

Nấm gây hại và lây lan mạnh trên các lập địa đã canh tác liên tục nhiều luân kỳ keo, đặc biệt là các khu vực trồng keo với diện tích lớn, nơi có lượng mưa cao.

Thí nghiệm gây bệnh nhân xác định được 18 chủng gây bệnh rất mạnh, 28 chủng gây bệnh mạnh, 43 chủng gây bệnh trung bình và 1 chủng gây bệnh yếu.

Khi gây bệnh trên vỏ cây (bên ngoài vỏ cây, không gây tổn thương), nấm không thể xâm nhập và gây bệnh cho cây. Khi gây tổn thương và nhiễm bệnh vào lớp tượng tượng tầng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nấm xâm nhập với thời gian ủ bệnh chỉ từ 5-7 ngày và 100% cây thí nghiệm bị nhiễm bệnh.

Kết quả đặt bẫy bào tử trong rừng trồng Keo lá tràm, keo lai và Keo tai tượng cho thấy ở cả 10 độ cao từ 60cm đến 150cm so với mặt đất đều xuất hiện bào tử nấm Ceratocystis sp. và đều tập trung nhiều ở hai độ cao 110cm và 120cm so với mặt đất.

Nấm Ceratocystis sp. tồn tại trong đất, đặc biệt trong đất rừng keo đang bị nhiễm bệnh rất phổ biến. Tỷ lệ mẫu đất có nhiễm nấm ở thời điểm ngay sau khi khai thác rất cao, trên 90%. Khả năng tồn tại của nấm Ceratocystis sp. trong đất giảm dần theo thời gian, đến thời điểm 12 tháng sau khai thác vẫn ghi nhận trên 23% mẫu đất có nhiễm nấm.

Hệ sợi nấm sinh trưởng mạnh nhất ở 25oC, tốc độ sinh trưởng đạt 4,95 mm/ngày. Tốc độ sinh trưởng của sợi nấm cao nhất ở độ ẩm 80%, đạt 5,1 mm/ngày. Ở độ pH từ 5,5 đến 7,0 tốc độ sinh trưởng của nấm rất nhanh, đạt từ 5,07 đến 5,56 mm/ngày, cao nhất là độ pH 6,5 với tốc độ sinh trưởng 5,56 mm/ngày.


Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 2 Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân… Trồng giống keo thân thiện môi trường Trồng giống keo thân thiện môi trường