Bệnh Chổi Rồng Ở Tiền Giang Đầu Tư Lớn, Hiệu Quả Chưa Cao
Trong ba năm qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nhân lực, vật lực với nguồn kinh phí khá lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn.
Tuy nhiên, tình trạng dịch chổi rồng không những chưa được xử lý dứt điểm, mà đã, đang tiếp tục tái diễn nhanh, khiến người trồng nhãn ở Tiền Giang lo lắng, đắn đo có nên chặt bỏ cây nhãn?
Cũng như các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, bệnh chổi rồng tại Tiền Giang xuất hiện rải rác từ năm 2008, chủ yếu trên giống nhãn tiêu da bò và đã lây lan trên diện rộng, bùng phát thành dịch vào năm 2011.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh có diện tích trồng nhãn là 8.580ha, tập trung tại huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông và TP Mỹ Tho. Trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh chổi rồng là 7.095ha, chiếm 82,69% diện tích. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã công bố dịch chổi rồng hại nhãn trên phạm vi toàn tỉnh và tập trung tiến hành phòng, chống dịch cho 6.624ha nhiễm nặng (chiếm 93,36% tổng diện tích nhiễm bệnh).
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chống dịch khá cao hơn 43 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 30 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 13 tỷ đồng.
Số tiền trên được chi mua thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ cắt tỉa, phun xịt thuốc cho nông dân, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên những vườn sản xuất không hiệu quả, mở các lớp tập huấn về các biện pháp quản lý bệnh chổi rồng, cấp phát tờ bướm, sổ tay hướng dẫn phòng trị; tổ chức cuộc tọa đàm trực tiếp trên sóng truyền hình…
Các huyện còn tiến hành thành lập các đội cắt tỉa cành và được tập huấn kỹ thuật để phục vụ cho công tác ra quân chống dịch tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TP Mỹ Tho.
Số tiền đầu tư cho công tác phòng, chống dịch có thể nói là rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, một trong những địa phương chuyên canh cây nhãn có diện tích lớn ở Tiền Giang đã tập trung quyết liệt phòng, trị bệnh chổi rồng nhưng hiệu quả vẫn còn “khiêm tốn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, Phan Thanh Sơn cho biết, sau khi UBND tỉnh công bố dịch, xã được cấp kinh phí hơn một tỷ đồng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên, bước vào xử lý dịch thì mới thấy khó. Những hộ “sống chết” với cây nhãn thì rất quan tâm còn những hộ trồng vài cây làm cảnh hoặc che mát thì khó xử lý. Do vậy, trên địa bàn xã hiện nay đã có 1/3 diện tích nhãn đã tái nhiễm trở lại.
Ông Bùi Văn Lập, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy trồng 0,4ha nhãn. Ông cho biết, trước đây, vườn nhãn của ông bị nhiễm bệnh chổi rồng rất nhiều nhưng qua thời gian phòng, chống cũng như áp dụng các quy trình được hướng dẫn thì tỷ lệ nhiễm bệnh có giảm. Song hiện nay, tỷ lệ tái nhiễm trên vườn nhãn của ông nhìn chung là khá cao (hơn 30%).
Tương tự, ông Cao Văn Kính, ấp 2, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đang canh tác 0,3ha nhãn tiêu da bò hơn 15 năm tuổi. Từ khi xuất hiện bệnh chổi rồng, ông đã phun thuốc rất nhiều lần nhưng bệnh không giảm, dẫn đến thất thu, không có hiệu quả kinh tế và có ý định đốn bỏ để chuyển đổi cây trồng khác có lợi nhuận hơn.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, diện tích nhãn tái nhiễm bệnh chổi rồng hiện nay khoảng 898ha. Trong đó, tỷ lệ bị nhiễm dưới 30% khoảng 618ha và 30-70% là 280ha. Ngoài ra, có 3.120ha nhãn đã bị đốn bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thì hầu hết diện tích nhãn còn lại trên địa bàn tỉnh, nông dân đã chăm sóc, cắt tỉa cành bệnh và quản lý bệnh khá tốt, chỉ riêng một số diện tích trồng lẻ tẻ và một số vườn không quan tâm chăm sóc thì tỷ lệ tái nhiễm khá cao.
Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định: Trong ba năm (2012-2014), công tác chống dịch chổi rồng trên nhãn gặp một số khó khăn như: công tác ra quân cắt tỉa không đồng loạt so với yêu cầu do thiếu lao động.
Triển khai chống dịch thực hiện trong mùa mưa, diện tích nhãn đang ở nhiều lứa khác nhau, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như việc tuân thủ quy trình kỹ thuật. Sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cơ sở (xã, phường) một số nơi chưa sâu sát trong công tác chống dịch. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chống dịch ở một số nơi chưa tốt, chưa kiểm tra, giám sát kịp thời.
Đối với diện tích trồng nhỏ lẻ, phân tán chưa được chủ vườn quan tâm cắt tỉa cành bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật. Một số nơi, nông dân không cắt tỉa mà tiến hành phun xịt. Một số nơi, nông dân chưa áp dụng đúng quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng mà ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo. Do đó, bệnh chổi rồng đã bắt đầu tái nhiễm trở lại. Một số vườn nhãn, nông dân chỉ chú trọng phun thuốc mà không kết hợp bón phân chăm sóc nên vườn nhãn chậm hồi phục…
Trước tình trạng bệnh chổi rồng trên địa bàn tỉnh chưa xử lý dứt điểm và đang có chiều hướng tái diễn nhanh, khiến nông dân lo lắng, chán nản, UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương như: Cục Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả miền nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam xem xét, thống nhất quy trình phòng trừ bệnh để quản lý, phòng ngừa có hiệu quả hơn đối với bệnh chổi rồng hại nhãn trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo rà soát, thống kê lại diện tích nhãn tái nhiễm bệnh chổi rồng; xác định cụ thể diện tích nhãn đã bị nhà vườn đốn bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác và diện tích còn lại; phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho nhà vườn đã chuyển sang cây trồng khác; nghiên cứu xây dựng mô hình, khuyến khích nhà vườn đầu tư canh tác tập trung với mô hình “vườn nhãn lớn” để thuận lợi trong đầu tư cũng như tác động khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ