Bệnh của bò sữa do ăn uống không hợp lý
Khi nuôi bò sữa, để khai thác được nhiều sữa bà con có xu hướng "bồi bổ" cho bò như tăng thêm nhiều thức ăn tinh, giảm thức ăn thô xanh hoặc nhiều khi do thiếu thức ăn xanh bà con lại cho rằng tăng thêm thức ăn tinh thì sẽ bù được lượng thức ăn xanh bị thiếu…
Điều này đã làm cho bò bị rối loạn tiêu hoá, rối loạn chuyển hoá, không những làm giảm sản lượng sữa mà còn dẫn đến một số bệnh nguy hiểm.
Những bệnh gây ra do ăn uống mà bò sữa thường mắc là bệnh thở thơm, bệnh axit dạ cỏ, bệnh sốt sữa.
Bệnh thở thơm
Bệnh thở thơm là cách gọi dân giã của bệnh ketosis, mùi thơm trong hơi thở của bò là mùi của axeton.
Bệnh thường xẩy ra ở giai đoạn bò tiết sữa mạnh, dấu hiệu lâm sàng thường rõ rệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 3 tuần sau đẻ. Bò ăn kém rồi bỏ ăn, giảm sản lượng sữa, giảm trọng, mắt trũng sâu, lười vận động, giảm co bóp dạ cỏ, phân khô và chắc. Mùi axetone thấy trong hơi thở và trong sữa. Bò có dấu hiệu thần kinh bất thường như không linh hoạt, bơ phờ, hoảng loạn, hay kêu rống, tiết nhiều nước bọt, có khi tấn công người.
Nguyên nhân trực tiếp của bệnh là do con vật không được cung cấp đủ đường glucose, hàm lượng glucose máu giảm từ 50 mg/100 ml xuống còn 25-30 mg/100ml. Người ta tính rằng một con bò sữa tiết 20 kg sữa mỗi ngày thì đã đưa vào sữa 1kg glucose để tạo lactose, trong khi ở thời kỳ tiết sữa bò không được ăn một chút glucose nào. Khi glucose bị huy động mạnh vào sữa thì gây ra thiếu glucose để tạo năng lượng cho các quá trình chuyển hoá, đặc biệt cho hoạt động của não và thần kinh. Lúc này cơ thể phải phân giải mỡ dự trữ để tạo năng lượng. Ở con đường tạo năng lượng bằng cách phân giải mỡ này trong cơ thể hình thành một nhóm chất có tên là thể keton (bao gồm axeton, axit axetoaxetic và axit beta-hydroxybutyric). Thể ketone làm cho pH máu giảm mạnh khiến cho hồng cầu mất năng lực vận chuyển oxy và carbonic, dẫn đến rối loạn tất cả các chức năng sống.
Nguyên nhân gián tiếp của bệnh thở thơm là do lượng thức ăn ăn vào không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sản xuất sữa. Thông thường ở bò sữa, sản lượng sữa đạt cao nhất lúc 4 tuần sau đẻ, nhưng thức ăn thu nhận chỉ đạt cao nhất lúc 7 tuần sau đẻ, như vậy trong giai đoạn tiết sữa mạnh bò dễ bị thiếu năng lượng. Khi lượng thức ăn thu nhận chưa cao mà thức ăn lại không ngon do hôi mốc, thối hỏng thì bò bỏ ăn, cơ hội mắc bệnh càng cao.
Trong giai đoạn mang thai mà bò quá béo thì khi vào đẻ tính ham ăn của bò cũng giảm, lúc này thức ăn có ngon đến mấy bò cũng vẫn ăn ít, điều này đã dẫn đến bệnh tật.
Bệnh dạ cỏ nhiễm toan
Bệnh do hình thành quá nhiều axit lactic trong dạ cỏ, vì thế người ta gọi bệnh này là bệnh "lactic acidosis dạ cỏ".
Có hai dạng bệnh là mãn tính và cấp tính: Khi hàm lượng axit lactic dạ cỏ ở mức 100 mmol và pH dịch dạ cỏ = 5,6 thì bệnh ở dạng mãn tính. Nếu hàm lượng axit lactic tăng lên và làm pH dịch dạ cỏ giảm xuống còn 5,2 thì bệnh ở dạng cấp tính.
Bệnh dạ cỏ nhiễm toan gây nhiều rối loạn nguy hiểm như: như đầy hơi, nhu động dạ cỏ giảm, phản xạ ợ hơi giảm, bỏ ăn, nghẽn dạ lá sách, gây khó chịu khi gia súc đứng và làm giảm sản lượng sữa, giảm tỷ lệ mỡ sữa. Ngoài ra bò có thể bị ap xe gan hay suy gan.
Nguyên nhân gây bệnh dạ cỏ nhiễm toan là do khẩu phần ăn quá nhiều thức ăn tinh, nghèo thức ăn thô xanh. Tuy nhiên sự thay đổi đột ngột từ một khẩu thức ăn thô sang một khẩu phần nhiều thức ăn tinh là nguyên nhân gây bệnh thường gặp trong sản xuất và con vật rơi vào tình trạng bệnh rất nguy hiểm. Sự thay đổi này có thể là rất tình cờ như khi con vật mới đẻ cần nhanh chóng chuyển sang khẩu phần thức ăn tinh.
Để phòng bệnh cần tăng tỷ lệ xơ trong khẩu phần cho bò, thức ăn xơ cũng không nên cắt nhỏ quá (thức ăn cắt nhỏ làm bò ít nhai lại, nước bọt tiết ít, giảm khả năng trung hoà axit hình thành trong dạ cỏ). Không dùng các khẩu phần trên 50% tinh, khi bắt buộc phải cho bò ăn nhiều thức ăn tinh để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng thì nên cho bò ăn thức ăn tinh rải ra nhiều lần trong ngày hay trộn đều với thức ăn thô để tránh giảm pH dạ cỏ đột ngột sau mỗi lần ăn. Khi thay đổi khẩu phần phải làm từ từ (8-10 ngày).
Bệnh sốt sữa
Hầu hết bò bị bệnh ở đầu kỳ tiết sữa, đó là lúc cơ thể phải huy động một lượng lớn canxi dự trữ trong cơ thể cho tiết sữa. Bảy mươi nhăm phần trăm ca bệnh rơi vào lúc 1-24 giờ sau đẻ. Bò tiết sữa ở chu kỳ 3 bị nhiều hơn chu kỳ 2 và 1.
Rối loạn sinh hoá đặc trưng của bệnh là giảm lượng canxi huyết. Bình thường canxi huyết của bò là 9-11 mg/100 ml, khi canxi huyết giảm xuống đến 8-9 mg/100 ml bệnh ở trang thái cận lâm sàng ; khi xuống dưới mức này bệnh ở trạng thái lâm sàng.
Canxi huyết ở mức 7mg/100 ml con vật bỏ ăn, run rẩy, loạng choạng; ở mức 6 mg/100 ml con vật không dứng được và ở mức 4 mg/100 ml con vật hôn mê và nếu không được can thiệp thì chết.
Ở trạng thái cận lâm sàng thường người nuôi không nhận ra, vì thế bệnh dễ chuyển sang trạng thái lâm sàng dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng.
Bò bị sốt sữa thấy có những rối loạn sau:
- Giảm sản lượng sữa.
- Khó đẻ do trương lực cơ quá yếu làm cản trở quá trình đẻ bình thường.
- Sót nhau.
- Tỷ lệ viêm tử cung cao, giảm khả năng sinh sản ở những lần đẻ sau.
- Dễ bị chướng bụng đầy hơi do nhu động của dạ cỏ yếu.
- Tỷ lệ bị bệnh keton cao.
- Dễ bị viêm vú.
- Dễ bị nhiễm và lây lan các bệnh khác như rối loạn tiêu hoá, viêm phổi…
Nguyên nhân của bệnh là do nuôi dưỡng không đúng cách, giai đoạn cạn sữa cho bò ăn nhiều thức ăn tinh giầu canxi, ít cỏ xanh và thức ăn thô khác.
Sốt sữa làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, sinh sản và sức sản xuất của bò sữa, vì vậy cần phòng bệnh sốt sữa một cách tích cực. Thời gian rất quan trọng để điều chỉnh sự mất cân bằng về canxi và photpho là trước khi đẻ 1 tháng. Cần hạn chế lượng canxi ăn vào trước khi đẻ. Cho ăn thừa canxi thì sẽ hạn chế việc huy động canxi bình thường từ xương. Tổng số canxi yêu cầu cho một bò cạn sữa nặng 600kg vào khoảng 40 gam/ngày. Nhìn chung, cố gắng không cho bò cạn sữa ăn quá 0,4 % canxi so với vật chất khô (VCK) của khẩu phần. Đồng thời, tránh cho bò ăn khẩu phần có hàm lượng phốtpho cao. Yêu cầu phốtpho là khoảng 28-30gam/ngày. Tính toán để cho ăn khoảng 0,20 - 0,25% phốtpho so với VCK của khẩu phần là vừa. Tiêm liều cao vitamin D (20 triệu IU/ngày) vào thời điểm 3-5 ngày trước khi đẻ và 1 ngày sau khi đẻ đã thấy hạn chế được bệnh sốt sữa.
Khi bò bị bệnh thì xử lý bằng cách tiêm dung dịch Ca, tiêm chậm theo đường tĩnh mạch 250-1000 ml dung dịch canxi 20-25%, hoặc dùng hỗn hợp Ca, Mg, P và glucose cho uống. Sau khi tiêm dung dịch Ca bò thường phục hồi sau 1 giờ.
Tóm lại để tránh những bệnh nói trên, nuôi dưỡng bò sữa cần cho ăn đúng cách: trước hết khẩu phần phải có tỷ lệ tinh-thô phù hợp với từng giai đoạn (tỷ lệ 20-25% ở giai đoạn cạn sữa, 30-35% giai đoạn mang thai và 40-50% giai đoạn tiết sữa; ví dụ: một con bò sữa mỗi ngày ăn 12 kg VCK khẩu phần, tỷ lệ thức ăn tinh là 40% có nghĩa là lượngVCK của thức ăn tinh là 4,8 kg và lượng VCK của thức ăn thô xanh là 7,2kg); thức ăn tinh không được nhiễm nấm mốc, thức ăn ủ xanh không được thối hỏng; thức ăn tinh nên cho ăn rải ra nhiều bữa trong ngày hoặc nên trộn đều thức ăn tinh với thức ăn thô xanh. Chú ý tránh nuôi bò quá béo ở giai đoạn mang thai và khi sắp vào đẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ