Bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa ở Nghệ An có nguy cơ lây lan trên diện rộng
Hiện, có nguy cơ lây lan trên diện rộng, cần có các giải pháp kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả, giảm thiểu ảnh hưởng đến năng suất.
Vụ xuân 2022, toàn tỉnh gieo cấy trên 91.664 ha lúa, tăng hơn vụ lúa xuân năm 2021 hơn 350 ha. Theo thông tin từ Chi cục trồng trọt và BVTV, dự kiến toàn tỉnh sẽ có khoảng 37.000 ha trổ trước ngày 20/4, thời gian trổ tập trung là trong 10 ngày tới, từ ngày 15- 25/4.
Nhưng đáng lo nhất hiện nay là bệnh đạo ôn, rất có khả năng bùng phát thành dịch trên quy mô lớn do từ đầu vụ sản xuất tới nay mưa rét kéo dài, sau đó trời ấm lên và ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng nghiêm trọng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để bệnh đạo ôn lá trên cây lúa phát sinh, lây lan trên diện rộng.
Thời gian qua, toàn tỉnh đã có trên 5.000 ha bị bệnh, trong đó có hơn 416 ha nhiễm nặng và gần 18 ha đã bị “cháy lá”, mất hoàn toàn năng suất. Địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhiều là Yên Thành, Hưng Nguyên, Diễn Châu.
Thời gian tới, khả năng bệnh đạo ôn còn phát sinh, phát triển mạnh do thời gian tới được dự báo thời tiết tiếp tục có mưa - nắng xen kẽ, sương mù nhiều, là cơ hội để bào tử nấm bệnh đạo ôn gây hại ra diện rộng. Đạo ôn là loại bệnh rất nguy hiểm, gây hại trên cây lúa cả ở lá, cổ bông và ở hạt. Đặc biệt đây là giai đoạn lúa xuân trổ bông – phơi mao, sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh đen lép hạt phát sinh gây hại. Nếu không thường xuyên kiểm tra, không phát hiện hoặc phát hiện chậm và không có biện pháp khống chế kịp thời, dịch bệnh sẽ rất dễ lây lan ra diện rộng. Vì thế, các địa phương đang tập trung chỉ đạo các xã bám sát đồng ruộng, phân vùng, phân trà lúa trổ để tổ chức phun phòng kịp thời.
Ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An cho biết: Đạo ôn cổ bông là loại bệnh rất nguy hiểm trên cây lúa và tùy mức độ gây bệnh sẽ có thể ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí mất 100% năng suất. Kể cả những ruộng lúa được phòng trừ tốt, không bị nhiễm đạo ôn lá vẫn hoàn toàn có khả năng bị bệnh đạo ôn cổ bông, vì đây là loại bệnh phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Vì vậy, các địa phương và ngành liên quan cần tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả.
Nông dân phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa vụ xuân
Để phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con cần áp dụng các biện pháp tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, các tàn dư lúa chét, cỏ dại của vụ trước. Gieo cấy lúa ở mật độ vừa phải. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên các chương trình dự báo thời tiết của báo, đài. Thăm đồng thường xuyên tạo thế chủ động phòng trừ đạo ôn hiệu quả. Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Không bón quá nhiều phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh, trước và sau trỗ đòng (bón đón đòng), đặc biệt bỏ hẳn việc bón đạm để nuôi hạt.
Nếu thấy lúa bệnh mà thời tiết phù hợp với việc phát triển bệnh (trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, hoặc trời có mưa nhỏ xen kẽ, ban ngày trời âm u, ít nắng...) thì phải ngưng bón đạm, không để ruộng khô nước, và tiến hành phun thuốc phòng bệnh kịp thời.
Phun thuốc đặc trị phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày và phun lần 2 sau khi lúa trổ 10 ngày. Những ruộng lúa nhiễm bệnh nặng tiếp tục phun lại lần 3. Nếu sau khi phun thuốc gặp mưa to cần phải phun lại…
Lưu ý, cần tập trung cao trên những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn trên lá, tai, lá, đòng và các giống hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng; có thể kết hợp thuốc trừ bệnh đạo ôn và thuốc trừ bệnh lem lép hạt để phòng trừ cùng lúc hai loại bệnh trên. Tuy nhiên, khi phun thuốc bà con cần đảm bảo thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ