Tôm hùm Bệnh do Vibrio parahaemolitycus trên tôm hùm

Bệnh do Vibrio parahaemolitycus trên tôm hùm

Tác giả Hoàng Ngân, ngày đăng 09/01/2019

Bệnh do Vibrio parahaemolitycus trên tôm hùm

Mặc dù là tác nhân gây hội chứng chết sớm (EMS) cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ lâu nhưng gần đây Vibrio parahaemolitycus mới được phát hiện lần đầu tiên trên tôm hùm. Bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người dân tại vùng nuôi tôm Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên trong những ngày vừa qua.

Tác nhân

Mới đây, tại vùng nuôi tôm Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ngành chức năng đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh trên tôm hùm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra vùng nuôi và lấy mẫu tôm bị bệnh gửi đến Trung tâm Thú y Vùng 6 xét nghiệm. Kết quả kiểm tra mẫu xác định, bệnh do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Vibrio Parahaemolitycus gây ra.

Vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus thuộc họ Vibrionaceae, bộ Vibrionales, lớp Gammaproteobacteria, ngành Proteobacteria; mang đặc điểm gran âm, hình que thẳng hoặc hơi uốn cong, kích thước 0,3 - 0,5 x 1,4 - 2,6 mm. Vibrio Parahaemolyticus là nguyên chính gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (hội chứng chết sớm (EMS)) trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Chúng có khả năng ký sinh trong đường ruột và tiết ra độc tố khiến gan sưng hoặc teo lại, gây chết hàng loạt tỷ lệ lên đến 90 - 100% ao nuôi. Vibrio Parahaemolyticus  còn có khả năng ký sinh vào các loài giáp xác và động vật thủy sinh khác. Chúng dễ dàng đeo bám trên các sinh vật phù du di chuyển theo dòng chảy, chúng chịu được độ mặn, pH và nhiệt độ môi trường. Có nhiều chủng có độc tố gây ra bệnh cho tôm, tuy nhiên cũng có những chủng không gây bệnh, đối với dòng vi khuẩn gây bệnh chúng khó tiêu diệt khi sử dụng các loại kháng sinh và các phương pháp điều trị thông thường bởi có khả năng hình thành màng bao sinh học (biofilm) giúp bảo vệ chúng an toàn.

Dấu hiệu bệnh

Khi tôm bị nhiễm Vibrio Parahaemolyticus  sẽ có sự hình thành các màng bao sinh học khi vi khuẩn bám vào lớp kitin trên bề mặt dạ dày tôm. Sau đó, vi khuẩn tiết ra các chất hình thành nên một lớp "keo" giúp cho chúng gắn chặt vào bề mặt dạ dày tôm. Khi đã hình thành các màng bao sinh học chắc chắn trên dạ dày tôm, các vi khuẩn bắt đầu nhân lên, màng bao là hợp chất exopolysaccharides sẽ hình thành có tác dụng bảo vệ vi khuẩn với tác dụng của các loại kháng sinh, chất khử trùng, các chất chiết xuất từ thảo dược và các phương pháp điều trị khác, trong khi các hoạt động trao đổi chất ở tế bào của chúng vẫn diễn ra bình thường. Theo thực tế tại các địa phương có dịch bệnh, tôm hùm có các biểu hiện sau: Tôm hùm bị thân đục, hư đường ruột, bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng và chết nhanh. Nhiều nơi tỷ lệ tôm chết lên đến 50% sau khoảng 2 tháng phát bệnh. Ông Phạm Văn Vinh, người nuôi tôm hùm thôn Phú Dương, xã  Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho biết: “Tôm cứ tự nhiên đỏ rồi nó chết. Tôi cũng không biết sử dụng thuốc gì”.   

Phòng và xử lý bệnh

Trong thời điểm thời tiết biến đổi thất thường như hiện nay, ngành thú y tỉnh Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng tránh dịch bệnh; khuyến cáo không được di chuyển những lồng tôm đã phát bệnh để hạn để chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại. Theo đó các nhà khoa học thủy sản cảnh báo người nuôi tôm không nên đặt lồng bè gần bờ; giảm thiểu mật độ lồng bè và số lượng tôm trong mỗi lồng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn không để kết dư tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất trong thức ăn; chủ động xử lý vệ sinh lồng nuôi; kịp thời cách ly những cá thể tôm có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe để điều trị và phòng tránh lây lan diện rộng. Ngoài ra cũng có thể sử dụng men vi sinh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus tạo nên sự cân bằng sinh học kết hợp tăng cường đề kháng cho tôm, giúp tôm cá khỏe miễn dịch tốt với bệnh hại.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị tiêu diệt được loại vi khuẩn nguy hiểm này bởi lớp màng bao sinh học của chúng có khả năng chống lại tác dụng của các loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị khác. Vì thế, người nuôi cần sử dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp từ khâu cải tạo ao nuôi cho đến khâu thu hoạch nhằm kết hợp với men vi sinh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus một cách tốt nhất. Cần sát khuẩn lồng nuôi trước khi thả giống, diệt khuẩn bằng BKC 80 với liều dùng 5 - 6 kg/1.000 m3. Trong quá trình nuôi không cần diệt khuẩn, thay vào đó là phương pháp dùng chế phẩm sinh học. Trong 2 tháng đầu dùng men vi sinh để khống chế Vibro parahaemolyticus với lượng 200 g/2.000 m3.

Khi phát hiện một vài con bị bệnh thì phải ngừng sử dụng loại thức ăn đó, chọn thức ăn từ biển khơi ngâm thuốc tím khoảng 15 phút, sau đó trộn với chế phẩm sinh học BIOM vào thức ăn với tỷ lệ 3 -  5 g/kg thức ăn. Dùng các loại chất kết dính để bọc thức ăn, sau đó cho ăn nhằm hạn chế bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolitycus gây ra.


Phương pháp Phòng và trị bệnh đỏ thân ở tôm hùm nuôi lồng bè Phương pháp Phòng và trị bệnh đỏ thân… Bệnh vỏ tôm hùm di chuyển về phía Maine Bệnh vỏ tôm hùm di chuyển về phía…