Tôm thẻ chân trắng Bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm biển giải pháp phòng chống dịch bệnh

Bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm biển giải pháp phòng chống dịch bệnh

Publish date Tuesday. June 2nd, 2015

Bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm biển giải pháp phòng chống dịch bệnh

Để hạn chế dịch bệnh đốm trắng xảy ra trên tôm biển nuôi trong mùa mưa, người nuôi tôm cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Đối với ao chuẩn bị thả tôm

- Chuẩn bị ao nuôi: Sên vét bùn đáy ao triệt để, tiến hành rửa và ngâm đáy ao 2-3 lần bằng vôi (CaO), liều lượng 30 kg/1.000 m2, sử dụng thêm vôi CaCO3 rải đều khắp nền đáy và bờ ao liều lượng 20-25 kg/1.000 m2. Sau đó tiếp tục phơi ao từ 5 đến 7 ngày, phơi khô đáy ao, cày xới nhằm kiểm soát chất hữu cơ và các tác nhân gây bệnh.

- Cần có ao lắng, xử lý nước riêng biệt, tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng hoặc ao nuôi trước khi thả tôm bằng hóa chất Chlorine liều lượng 30 ppm (30 kg/1.000 m3).

- Chọn tôm giống: Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; kiểm tra các tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), bệnh MBV, bệnh Taura (TSV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và các bệnh nguy hiểm khác; được kiểm dịch của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre.

- Mật độ và kích cỡ giống thả nuôi phù hợp với quy định của ngành (tôm chân trắng từ 60-80 con/m2, cỡ postlarvae ≥12mm; tôm sú từ 20-25 con/m2, cỡ postlarvae ≥15 mm).

- Áp dụng các quy trình nuôi an toàn sinh học để giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

2. Đối với các ao tôm đang nuôi

- Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như:

+ Duy trì mực nước ao nuôi > 1,2m.

+ pH duy trì 7,5 - 8,2 (kiểm tra 02 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều).

+ Độ kiềm ổn định 120-160 mg/l (định kỳ 7-10 ngày kiểm tra/lần).

+ Tăng thời gian chạy quạt nước để đảm bảo oxy hòa tan >5mg/l.

+ Mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần) cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất, đặc biệt là màu nước cần giữ ổn định thường xuyên, tránh hiện tượng tảo bị nở hoa.

- Bón vôi CaCO3 quanh bờ ao trước khi trời mưa; sau khi mưa nhiều có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt hoặc bón vôi ao nuôi để tránh sự biến động độ mặn và các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi.

- Tăng cường sức đề kháng cho tôm bổ sung các vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, chất tăng cường hệ miễn dịch vào thức ăn cho tôm.

- Thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế sự xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như: kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới, đuổi chim, cò...

- Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường đáy ao và hạn chế sự phát sinh mầm bệnh.

3. Xử lý ao tôm bị bệnh do virus đốm trắng

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh đốm trắng, người dân không nên dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh vì không có tác dụng đối với bệnh do virus.

Vì vậy, khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, tuyệt đối không xả nước, tôm chết ra ngoài môi trường xung quanh; phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Ủy ban nhân dân xã hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cách ly, thu mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh và hướng dẫn quy trình xử lý tiêu hủy mầm bệnh.

Lưu ý: Người dân trước khi thả tôm giống phải qua kiểm dịch và được cấp ”Giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản vận chuyển trong nước” của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre và lưu giữ tại cơ sở nuôi. Đây là cơ sở làm căn cứ để được hưởng các chính sách của nhà nước như: hỗ trợ hóa chất tiêu hủy dịch bệnh; hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất (nếu có),...

Tags: phong chong dich benh, benh dom trang o tom, nuoi tom


Related news

Khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi Khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh Hội chứng… Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…