Nuôi trâu Bệnh giun phổi ở bê, nghé

Bệnh giun phổi ở bê, nghé

Tác giả TTKN - KNQG, ngày đăng 24/02/2016

Bệnh giun phổi ở bê, nghé

1. Nguyên nhân:

Giun phổi không cần ký chủ trung gian. Con cái đẻ trứng ở khí quản. Trong trứng có ấu trùng. Khi ho thì trứng theo đờm từ khí quản về miệng, rồi xuống dạ dày, ruột.

Tới đường tiêu hóa thì ấu trùng nở và theo phân ra ngoài. Gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ 25°C) thì ấu trùng lột xác lần một. Sau đó 4-6 ngày lột xác lần hai và thành ấu trùng lây nhiễm cho bê, nghé qua đường tiêu hóa.

Tới ruột, ấu trùng mất màng bọc ngoài, chui vào niêm mạc ruột theo hệ thống lâm ba và tuần hoàn về phổi.

Nếu con vật khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt và có sức đề kháng cao thì ấu trùng giun phổi không phát triển bình thường được.

Chúng bị bao vây ở hạch lâm ba màng treo ruột, có thể tới 5-6 tháng. Khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng của cơ thể kém) chúng mới có thể di hành tới các nhánh khí quản.

Thời gian giun sống ở phổi có thể từ 2 tháng đến trên 1 năm và dài hay ngắn còn phụ thuộc vào điều kiện dinh dưỡng của vật chủ. Nếu dinh dưỡng tốt thì thời gian ngắn và ngược lại.

2. Triệu chứng và bệnh tích:

a/ Triệu chứng:

Giun ký sinh trong khí quản, gây kích thích niêm mạc, chất nhầy tiết ra nhiều hoặc có thể làm viêm thành phế quản, thậm chí lan ra cả tổ chức xung quanh.

Chất nhầy đôi khi có lẫn máu và là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm phế quản và phổi.

Bệnh phát sinh chủ yếu vào mùa đông. Bệnh biểu hiện các triệu chứng của bệnh viêm phế quản: thở khó, ho, chảy nước mũi, đôi khi có cơn ngạt.

Khi số lượng ký sinh trùng ít thì các triệu chứng không rõ, sức khoẻ con vật ít bị ảnh hưởng.

Nhưng nếu nhiều ký sinh trùng và nhất là điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng kém thì con vật lờ đờ, uống ít nước, nhịp thở tăng, gầy rạc và chết sau vài tháng.

b. Bệnh tích:

Phổi sưng, các cạnh phổi mầu trắng xám. Cắt ngang phổi nhớt và ít máu, phế quản phình rộng, thành phế quản dầy, niêm mạc khí quản, phế quản có những lấm chấm xuất huyết.

Có thể quan sát thấy giun bằng mắt thường trong khí quản và phế quản, chủ yếu là trong phế quản trung bình.

3. Chẩn đoán:

- Lấy các chất tiết ở mũi chảy ra và soi kính sẽ thấy nhiều ấu trùng.

- Xét nghiệm phân để tìm ấu trùng.

- Mổ khám gia súc và quan sát các biến đổi cơ quan hô hấp.

- Trong chẩn đoán cần phân biệt với các bệnh khác như viêm phổi và lao phổi.

4. Điều trị:

- Dùng Tetramisol do Hungari sản xuất, liều 10-15 mg/kg thể trọng (thuốc nguyên chất) để điều trị mang lại hiệu quả rất cao (100%) và an toàn.

- Mebenvet: liều 50 mg/kg thể trọng (trộn vào thức ăn cho ăn 3 buổi sáng), đạt hiệu lực 70-80%.

- Ivermectin (dung dịch tiêm), liều 1 mg/15 kg thể trọng (tiêm bắp hoặc tiêm dưới da).

- Levamisol (dung dịch tiêm), liều 1 ml/12 kg thể trọng (tiêm bắp).


Kỹ thuật xử lý rơm lúa Kỹ thuật xử lý rơm lúa Dự trữ thức ăn cho trâu bò trong mùa hè Dự trữ thức ăn cho trâu bò trong…