Nuôi lợn (Heo) Bệnh heo tai xanh

Bệnh heo tai xanh

Tác giả Ths. Kim Văn Phúc, ngày đăng 31/10/2018

Bệnh heo tai xanh

Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo (Porcine Reproductive and respiratory Syndrome - PRRS) hay bệnh “tai xanh” là một bệnh truyền nhiễm gây ra do virút thuộc họ Arteriviridae. Bệnh được phát hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Năm 1997 xuất hiện ở Việt Nam trên đàn heo giống nhập từ Mỹ và sau đó lan rộng trên các đàn heo nuôi trong cả nước ở mọi hình thức chăn nuôi khác nhau.

Virút gây hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản bao gồm hai dòng: dòng Châu Âu và dòng Bắc Mỹ. Từ năm 2006 bệnh bùng phát trở thành dịch lớn gây chết hàng trăm ngàn heo ở Trung Quốc và Việt Nam mà nguyên nhân được các nhà khoa học xác định là do sự biến chủng của chủng virút dòng Bắc Mỹ làm cho virút trở nên có độc lực cao hơn.

Đặc tính virút và đường truyền lây

Virút gây bệnh PRRS tồn tại trong cơ thể heo tập trung nhiều ở đại thực bào (macrophage) phổi. Virút được tìm thấy trong nước miếng, nước mũi, phân, tinh dịch, sữa, máu, các cơ quan nội tạng như phổi, lách, gan…; virút có thể khu trú ở các mô, lưu truyền trong máu heo đến 6 tháng ngay cả khi heo đã có một lượng kháng thể khá cao và không có những biểu hiện về triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 5 ngày. Bệnh lây lan trực tiếp qua tiếp xúc giữa heo bệnh với heo mẫn cảm hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, người chăn nuôi, chim muông, chuột… hoặc virút được phát tán theo không khí.

Triệu chứng

Heo ở mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh, triệu chứng lâm sàng chính khác nhau ở các loại heo trong đó: biểu hiện rối loạn sinh sản ở heo nái mang thai như sẩy thai vào giai đoạn cuối, đẻ non, tỷ lệ thai chết trước và ngay khi sinh có thể đến 30 - 40%. Heo nái bị bệnh có thể không hoặc động dục trở lại chậm và thường sốt cao, có thể dẫn đến hôn mê, biếng ăn, có nái tai chuyển màu xanh nhưng mất đi sau vài giờ, một số nái có biểu hiện của bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm vú và mất sữa.

Heo con theo mẹ và heo nuôi thịt khi nhiễm bệnh với chủng virút có độc lực cao thường sốt cao 40oC – 42oC kéo dài 3-5 ngày, mắt có ghèn màu nâu, da có vết phồng rộp xuất huyết, tiêu chảy, run rẩy…; heo sống sót có thể trạng gầy yếu, ăn ít, tiêu chảy, có biểu hiện bất thường về hô hấp như ho, thở nhanh. Tỷ lệ heo con chết có thể tới 70%. Biểu hiện lâm sàng ở heo đực giống thường sốt nhẹ, biếng ăn, mất tính hung hăng, lượng tinh dịch ít, chất lượng tinh kém, ở giai đoạn nhiễm trùng huyết tinh dịch heo bệnh có chứa virút.

Bệnh tích và chẩn đoán

Heo bệnh hoặc chết do virút tai xanh khi mổ khám thường có bệnh tích rõ ở phổi như xuất huyết nặng, viêm phổi hoại tử ở đầu các thuỳ phổi có khi có mủ và nhục hóa. Gan, lách sưng, cơ và màng bao tim có khi xuất huyết. Một số bệnh tích có thể là đặc trưng của những bệnh truyền nhiễm khác như tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, hoặc do mycoplasma gây ra do nhiễm ghép hoặc kế phát sau khi nhiễm virút tai xanh nên cần có những phương pháp chẩn đoán phân biệt chính xác trong phòng thí nghiệm như RT-PCR, Realtime PCR, phân lập virút, ELISA… để khẳng định tác nhân gây bệnh và có hướng điều trị hay xử lý thích hợp.

Điều trị

Bệnh heo tai xanh không thuốc điều trị đặc hiệu. Một thực tế và kinh nghiệm được rút ra từ một số ổ dịch xảy ra vừa qua là bệnh heo tai xanh thường xảy ra và gây thiệt hại nặng thường ghép với một số bệnh khác như: dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, xoắn khuẩn (leptospira) và một số vi khuẩn khác: liên cầu khuẩn (Steptococcus), Mycoplasma và E.coli.

Vì vậy, việc điều trị cho heo tai xanh chủ yếu là các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế các tác nhân cơ hội, kế phát trên bằng một số thuốc như sử dụng các kháng sinh Tylosin, Enrofloxacine… kết hợp với interferon và các loại vitamin C, A, D, E, Bcomplex, Bêtaglucan nhằm nâng cao sức đề kháng của heo bệnh.

Phòng bệnh

Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh thú y kết hợp với sử dụng vắcxin thích hợp và đúng cách là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu và kinh tế nhất. Có chế độ định kỳ phun thuốc khử trùng nghiêm ngặt ít nhất 1 lần/tuần bằng benkocid, chloramineB, thường xuyên diệt các loại côn trùng, chuột trong và xung quanh trại. Heo nuôi đảm bảo dinh dưỡng, không nhập heo giống từ những nơi không rõ nguồn gốc và tình hình dịch bệnh. Nếu có điều kiện, nên thực hiện nguyên tắc cùng nhập - cùng xuất và để trống chuồng sau khi xuất 2-4 tuần. Hạn chế tối đa khách tham quan. Heo nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, phòng Mycoplasma...

Một biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh là tiêm phòng bằng vắcxin. Trên thế giới đã có hơn 20 loại vắcxin được chế từ các chủng virút dòng châu Âu và dòng Bắc Mỹ dưới 2 dạng vắcxin sống (nhược độc) và vắcxin vô hoạt. Hiện nay, nước ta chưa sản xuất được vắcxin phòng bệnh tai xanh.

Cục Thú y đã cho phép nhập khẩu một số vắcxin như vắcxin vô hoạt nhũ dầu do Công ty CAHIC - Trung Quốc sản xuất, được chế từ chủng NVDC-JXA1, đây là chủng virút PRRS dòng Bắc Mỹ có độc lực cao và có tính tương đồng cao với các chủng virút PRRS gây bệnh trên đàn heo nuôi ở nước ta. Liều sử dụng cho heo con trên 3 tuần tuổi là 2ml/con, tiêm bắp và tiêm nhắc lại sau 21 – 28 ngày. Heo nái tiêm 4ml trước khi phối giống. Heo nọc tiêm 4ml và tiêm nhắc lại mỗi 6 tháng.


4 yếu tố cốt lõi cải thiện sức khỏe đường ruột của heo con cai sữa 4 yếu tố cốt lõi cải thiện sức… Phát hiện và định chủng virus PRRS ở lợn bằng phương pháp multiplex RT-PCR Phát hiện và định chủng virus PRRS ở…