Trồng sắn Bệnh khảm lá trên khoai mì - Triệu chứng và cách phòng trừ

Bệnh khảm lá trên khoai mì - Triệu chứng và cách phòng trừ

Tác giả KS. Nguyễn Kha Minh Tuấn, ngày đăng 15/09/2020

Bệnh khảm lá trên khoai mì - Triệu chứng và cách phòng trừ

Gần đây, tình hình dịch bệnh trên cây mì diễn biến rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của loại nông sản này, đặc biệt là bệnh khảm lá.

Bệnh khảm lá trên khoai mì. Ảnh: Minh Đức.

Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng khoai mì xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của loại nông sản này, đặc biệt là bệnh khảm lá.

Hiện tại bệnh khảm lá khoai mì đang có xu hướng lan rộng và ngày càng khó kiểm soát hơn. Các khu vực trồng mì lớn ở nước ta như Tây Ninh, Gia Lai, Bình Phước, Phú Yên,… đều có tỉ lệ nhiễm rất cao. Nguyên nhân chủ yếu lan truyền bệnh là do sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh và do vật chủ trung gian truyền bệnh là bọ phấn trắng.

Tác nhân gây bệnh: Bệnh do virus SLCMV (Sri Lanka Cassava Mosaic Virus) gây ra.

Triệu chứng bệnh: Triệu chứng phổ biến và dễ nhận diện là trên lá xuất hiện các vết khảm màu trắng, vàng hoặc xanh nhạt nằm rải rác khắp mặt lá, phiến lá bị cong vênh, biến dạng và có thể dày hơn bình thường, cây càng bị thấp lùn và giảm mạnh năng suất nếu càng bị nhiễm bệnh sớm. Không bán được giống đối với những vườn đã nhiễm bệnh.

Bệnh có thể xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây, nếu sử dụng hom giống nhiễm bệnh thì triệu chứng sẽ xuất hiện sớm ngay khi mọc. Đối với cây đã lớn khi bị nhiễm bệnh sẽ lâu biểu hiện hơn và ảnh hưởng năng suất cũng ít hơn, vì vậy phòng ngừa bệnh ngay từ giai đoạn hom giống đến cây con là cực kỳ quan trọng.

Các biện pháp phòng trừ: Theo khuyến cáo từ các chuyên gia và kinh nghiệm của các hộ nông dân trồng mì đã thực hiện thành công các biện pháp tổng hợp như sau:

- Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh, cần biết rõ nguồn gốc xuất xứ của giống và không sử dụng giống ở khu vực đã nhiễm bệnh cho vụ sau. Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch.

- Thường xuyên thăm đồng, nhất là giai đoạn đầu (mới đặt hom đến 2,3 tháng sau trồng), bọ phấn trắng thường ẩn náu ở mặt dưới lá, nếu phát hiện cây bệnh lập tức nhổ bỏ và tiêu hủy ngay đồng thời phun thuốc phòng trừ. Dùng cồn 70o khử trùng các dụng cụ canh tác.

- Dùng các giống có tính kháng bệnh tương đối như KM94, KM414. Không dùng các giống đã có tỉ lệ nhiễm cao như KM40, HLS11- Chú ý trong lúc thu gom giống và chất thành bó chuẩn bị cho vụ sau thì một số mầm mì sẽ nảy ra trước thu hút bọ phấn trắng.

Vì vậy cần phun thuốc ngừa xử lý khi chuẩn bị hom giống với các sản phẩm như: Brimgold 200WP liều lượng từ 14 gram/16 lít nước hoặc Osago 80WG liều lượng 10 gram/16 lít nước.

- Sử dụng các loại thuốc trừ sâu rầy có nhiều đặc tính nổi trội và ít kháng thuốc vào các giai đoạn 25 ngày, 50 ngày và 75 ngày sau khi xuống giống, với 1 trong 2 công thức tối ưu như sau:

+ Công thức 1: 14 gram Brimgold 200WP + 30 ml Dầu khoáng SK-Enspray 99EC (pha sau cùng, không cần tăng liều), pha chung trong một bình 16 lít nước. Chú ý phun nhiều nước, sáng sớm và chiều mát là thời điểm tốt nhất.

+ Công thức 2: 10 gram Osago 80WG + 30 ml Dầu khoáng SK-Enspray 99EC (pha sau cùng, không cần tăng liều), pha chung trong một bình 16 lít nước. Chú ý phun nhiều nước, sáng sớm và chiều mát là thời điểm tốt nhất.

Vì bệnh có thể lây lan nhanh do bọ phấn trắng chích hút từ cây bệnh bay sang cây khỏe, nên khi bà con sử dụng các công thức trên nên chú ý mách cho các hộ trồng khoai mì hoặc các loại cây là ký chủ của bọ phấn trắng khác như bầu bí, thuốc lá, bông vải, cà chua, khoai tây, ớt,… ở xung quanh cùng nhau phòng trừ một lúc.

Chúc bà con nông dân được mùa, trúng giá.


Bệnh xoăn, khảm lá cây khoai mì Bệnh xoăn, khảm lá cây khoai mì Rệp sáp bột hồng hại khoai mì Rệp sáp bột hồng hại khoai mì