Nuôi lợn (Heo) Bệnh lợn nghệ (lepto) trên lợn

Bệnh lợn nghệ (lepto) trên lợn

Tác giả NCN, ngày đăng 12/03/2016

Bệnh lợn nghệ (lepto) trên lợn

Nguyên nhân và cách lây bệnh

Bệnh nghệ (bệnh khét, Lép-tô, xoắn khuẩn, xoắn trùng) do xoắn khuẩn Lép-tô gây ra.

Các loại xoắn khuẩn Lép-tô mẫn cảm với môi trường khô và kém bền vững đối với tác động vật lý và hóa học. Ngược lại trong đất ẩm và trong nước, xoắn khuẩn có khả năng sống đến vài chục ngày.

Lợn ở tất cả các lứa đều có thể bị nhiễm bệnh nghệ, tuy vậy, lợn càng già tuổi càng dễ mắc bệnh và bị bệnh nặng hơn.

Bệnh lây chủ yếu qua nước tiểu nếu nhốt chung với lợn ốm. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng các ổ bệnh xảy ra thường ở thời kỳ con nái chửa kỳ hai, gây sảy thai hoặc sinh con chết...

Triệu chứng

- Thời kỳ ủ bệnh của gia súc kéo dài 2 đến 20 ngày. Bệnh có thể xảy ra ở thể cấp tính, á cấp tính, mạn tính và ẩn tính.

- Ở lợn con dưới 3 tháng tuổi thường xảy ra thể cấp tính, thân nhiệt tăng lên 40-41 độ C. Lợn bị viêm kết mạc, yếu, ỉa chảy, đôi khi xuất hiện vàng da. Thể cấp tính kéo dài 4-10 ngày và gây chết 20-30% (cá biệt 90%).

- Thể á cấp tính thường xảy ra ở cả lợn con theo mẹ và lợn con dưới 6 tháng tuổi.

Đặc trưng của triệu chứng lâm sàng là sốt ngắt quãng (vì khi xoắn khuẩn theo máu lan tỏa khắp cơ thể thì gia súc sốt cao; khi xoắn khuẩn lưu trú ở gan và thận thì thân nhiệt gia súc giảm xuống);

Tiêu chảy kéo dài, đôi khi xuất hiện triệu chứng vàng da, hoại tử từng đám da và sau đó da bị tróc vẩy.

Trên bề mặt da nổi nhiều đám đỏ như vết tràm, ở rìa vùng da bị tổn thương và da lành nổi bờ như hắc lào.

Nếu không điều trị kịp thời, các vết loét sẽ lan dần khắp cơ thể lợn ốm. Bệnh có thể kéo dài 20 ngày nhưng ít gây chết như thể cấp tính.

- Ở lợn trưởng thành, bệnh thường xảy ra ở thể mạn tính với triệu chứng lâm sàng nhẹ như hơi sốt, bỏ ăn tạm bợ, hoại tử da, ít khi bị sảy thai ở thời kỳ chửa cuối. Sảy thai thường rơi vào nái hậu bị và nái kiểm định.

Nái có thể đẻ đúng hạn nhưng một số thai chết, số còn lại sức yếu và chết trong vòng một vài ngày sau đẻ. Một triệu chứng thường xuyên xảy ra là nước tiểu lẫn máu nên có màu vàng nâu như nước vối.

- Thể ẩn tính, không có biểu hiện đặc trưng triệu chứng lâm sàng nhưng khi xét nghiệm huyết thanh cho kết quả dương tính, nhất là ở lợn hơn 1 năm tuổi.

Bệnh có thể xảy ra ở dạng ghép với một số bệnh giả dại, sảy thai truyền nhiễm, phó thương hàn, ngộ độc thức ăn...

Điều trị

Có thể dùng kháng huyết thanh đặc hiệu để điều trị bệnh lợn nghệ.

Các loại kháng sinh truyền thống dùng điều trị bệnh lợn nghệ là Tê-ta-xi-lin, Am-pi-xi-lin, Pê-ni-xi-lin kết hợp với Nô-vô-ca in.

Tuy vậy, nếu dùng thuốc không hợp lý có thể sẽ xuất hiện nhiều chủng xoắn khuẩn nhờn thuốc; trong một số trường hợp, lợn bị bội nhiễm các bệnh khác nên dùng kháng sinh sẽ kém hiệu lực.

Do vậy bà con phải kết hợp các loại kháng sinh đặc hiệu mới dập tắt được ổ dịch. Có thể dùng thuốc điều trị theo một trong các cách sau:

Đối với đàn lợn bị cấp tính

Cách 1: Dùng Leptocin tiêm bắp, 1ml/5kg thể trọng/lần. Ngày đầu tiêm 2 lần, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 tiêm 1 lần/ngày với liều lượng 1ml/10kg thể trọng.

+ Canxi B12 tiêm bắp, 10-15ml/50-100kg thể trọng, 1 lần/ngày.

+ Lưu ý, sau khi lợn ăn uống bình thường, cần tiêm thêm 2 mũi kháng sinh và thuốc bổ (2 ngày).

Cách 2: Phối hợp 2 loại kháng sinh để điều trị.

Buổi sáng: dùng Pneumotic tiêm bắp, 1ml/10kg thể trọng hoặc Urotropin tiêm bắp, 1ml/5kg thể trọng.

Buổi chiều: Spectilin tiêm bắp, 1ml/10kg thể trọng. Tiêm thuốc liên tục cho lợn trong 5 ngày.

Cách 3: (Dùng cho lợn 50kg thể trọng/ngày):

+ Tiamulin, tiêm bắp, 5ml.

+ Norfloxkara, tiêm bắp, 5ml.

+ Urotropin, tiêm bắp, 5ml, hoặc ADEB complex 3-4ml; ngày tiêm 2 lần, liên tục 5 ngày.

Đối với những con mang trùng (mạn tính)

Dùng vắc xin phòng bệnh xoắn khuẩn tiêm ngay vào lợn mang trùng, tiêm 2 mũi cách nhau 5-7 ngày.

Sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 2 được 7-10 ngày, dùng một trong những cách ở trên để điều trị.

Phòng bệnh

- Bệnh lợn nghệ có thể phòng bằng vắc xin. Chú ý, đối với lợn vỗ béo, có thể tiêm phòng từ lúc 3 tháng tuổi.

Đối với lợn nái, có thể tiêm phòng vào thời kỳ 1-2 tháng trước khi phối giống. Đối với lợn đực giống, tiêm phòng 2 đợt/năm, vào tháng 4 và tháng 10.

- Lưu ý diệt chuột- vật mang mầm bệnh, bảo đảm chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để lợn không mắc bệnh.

- Khi lợn ốm chết, phải đào hố, rắc vôi bột và chôn kỹ. Không được mổ thịt ăn vì bệnh dễ lây sang người.


Tại sao heo nái đẻ ít con Tại sao heo nái đẻ ít con Chăm Sóc Lợn Mẹ Khi Đẻ Và Cho Con Bú Chăm Sóc Lợn Mẹ Khi Đẻ Và Cho…