Bệnh mốc sương cà chua
Triệu chứng bệnh xuất hiện trên lá, thân và quả. Ban đầu, những vết nhờn như có dầu, màu xanh xám trên lá. Những vết tổn thương này phát triển rộng ra và chuyển sang màu nâu đậm.
Thời tiết âm u, độ ẩm cao, cây cà chua dễ nhiễm bệnh mốc sương
Trong điều kiện độ ẩm cao, nhiều đám mốc trắng bắt đầu xuất hiện trên mặt các vết này. Khi khô, các vết đó sẽ biến màu nâu như màu gan và dễ vỡ khi va chạm nhẹ.
Các vết màu nâu đậm cũng có thể được hình thành từ ban đầu trên thân, cuống lá và quả cà chua. Sau đó, chúng chuyển qua màu nâu đen. Những tổn thương thường xuất hiện sớm trên quả non. Khi quả chín, để lại những vết nâu như màu sô cô la trên bề mặt quả.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh ban đầu là các sợi nấm của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử nang hình thành trên các vết thương tổn và sản sinh ra các động bào tử nấm bệnh. Nhờ nước tự do, các động bào tử xâm nhập vào trong cây qua lỗ khí khổng hoặc các vết thương.
Bệnh xuất hiện và phát triển trên đồng ruộng khi có nhiệt độ thấp (khoảng 20 độ C) và độ ẩm cao. Ở thời gian vụ ĐX, nhiệt độ thấp lại thường có mưa phùn kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện lý tưởng để bệnh mốc sương phát sinh. Dưới điều kiện thích hợp, có thể xảy ra nhiều đợt bùng phát bệnh trong một vụ do giai đoạn ủ bệnh ngắn.
Khi chuẩn bị trồng cần vệ sinh đồng ruộng bằng cách dọn sạch hoàn toàn các cây bị bệnh và phần còn lại của chúng từ các vụ trước. Kế đó là việc chọn giống. Trong những giống có năng suất cao, nên chọn trồng các loại có khả năng kháng bệnh tốt, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Độ ẩm trên ruộng cũng nên giữ ở mức thấp trong chừng mực có thể, bằng cách điều chỉnh việc tưới nước.
Nên trồng luân canh các loại cây khác nhau, vụ này cây này, vụ sau cây khác. Đặc biệt sau vụ có bệnh bùng phát mạnh. Do bệnh mốc sương gây hại cả trên cà chua và khoai tây, nên lưu ý nếu thấy những ruộng khoai tây gần đó bị bệnh này thì nên phun thuốc phòng.
Các thuốc hoá học thường dùng có khá nhiều như các hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 500SC...), Folpet (Folpan 50WP...), Mancozeb (Manozeb 80WP...), Metalaxyl+Mancozeb (Ricide 72WP…). Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện. Điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 - 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng.
Thường xuyên thăm đồng, nếu thấy vết bệnh xuất hiện thì phun thuốc càng sớm càng tốt, không nên để bệnh nặng mới đi phun. Việc phun liên tiếp một loại thuốc trừ bệnh trong nhiều lần có thể dẫn đến sự kháng thuốc của mầm bệnh, vì thế làm giảm hiệu lực phòng trừ. Để tránh điều này, nên sử dụng đảo các loại thuốc với nhiều kiểu tác động khác nhau (tiếp xúc, nội hấp...) trong một chu kỳ phun.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ