Tin nông nghiệp Bệnh nấm cóc hoa cúc

Bệnh nấm cóc hoa cúc

Tác giả TS. Nguyễn Minh Tuyên, ngày đăng 13/01/2021

Bệnh nấm cóc hoa cúc

Hoa cúc được trồng ở nhiều vùng trong cả nước, và dễ phát sinh nhiều loại dịch hại, với mức độ ngày càng cao nhất là bệnh nấm cóc (bệnh rỉ sắt).

Bệnh nấm cóc trên hoa cúc. Ảnh: Minh Đức.

Ngày nay, cúc là loài hoa được nhiều người ưa chuộng bởi tính đa dạng và nhiều sắc màu của chúng, và đã được người dân sử dụng ngày càng phổ biến. Hoa cúc cũng đã được trồng ở nhiều vùng trong cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Vì vậy, các vùng trồng hoa thường không có thời gian cho đất nghỉ và cũng không kịp luân canh với các loại cây trồng khác.

Do đó, đã làm phát sinh nhiều loại dịch hại, với mức độ ngày càng cao và nguy hiểm. Một trong những loại bệnh hại phổ biến, nguy hiểm và làm gia tăng áp lực phòng trừ đối với người trồng hoa cúc hiện nay là bệnh nấm cóc (bệnh rỉ sắt). Bệnh đã làm mất giá trị thương phẩm cây hoa và gây thất thu lớn cho người trồng hoa.

Triệu chứng và tác hại:

Đầu tiên, mặt dưới lá xuất hiện những đốm bệnh màu xanh nhạt, sau đó từ đốm bệnh nổi lên thành những nốt mụn sần sùi như mụn cóc, mụn có màu trắng, rồi chuyển dần sang màu vàng. Bệnh thường tấn công vào các lá non và cũng có thể tấn công lên các bộ phận non khác của cây. Bệnh làm lá mất khả năng quang hợp và làm mất thẩm mỹ của cây hoa, làm giảm giá trị thương phẩm. Người dân trồng hoa phải mất nhiều chi phí cho công tác phòng trừ.

Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:

+ Bệnh do nấm Puccinia sp. gây ra.

+ Điều kiện bệnh phát sinh phát triển:

- Vườn còn nhiều tàn dư cây vụ trước, vườn trồng cúc xoay vòng liên tục, vườn không luân canh, và được trồng tập trung tại những vùng chuyên canh.

- Gieo trồng bằng giống nhiễm, trồng với mật độ quá dày, bón phân không cân đối và bị dư đạm, thiếu hữu cơ và vi lượng, nên vườn cây rậm rạp, ẩm độ cao. Cây mềm yếu nên sức đề kháng kém.

- Quản lý nước không tốt, lại thường tưới nước vào chiều tối, làm cho vườn thường xuyên bị quá ẩm thấp vào ban đêm.

- Thời tiết mát, ẩm độ không khí cao, ngày ít nắng, đêm sương mù nhiều là điều kiện tối ưu cho bệnh phát triển.

Các biện pháp phòng trừ hiệu quả:

- Vệ sinh và tiêu hủy tàn dư cây vụ trước và cây hoang dại trên vườn trước khi trồng.

- Không sử dụng các giống nhiễm bệnh. Sử dụng cây giống sạch bệnh.

- Trồng với mật độ thích hợp, tránh trồng quá dày, dễ gây rậm rạp, ẩm thấp trong vườn. Trồng mật độ thích hợp sẽ dễ dàng cho việc xử lý thuốc sau này.

- Không tưới nước vào buổi chiều tối để hạn chế độ ẩm tăng cao về đêm.

- Bón phân cân đối NPK, tăng cường các phân hữu cơ vi sinh, bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng để giúp tăng sức đề kháng của cây, như phân bón lá TANO 601 ở giai đoạn hoa quả.

- Lên luống cao, có thể phủ màng nylon và tưới tiêu nước hợp lý để vườn không bị ẩm thấp thường xuyên. Nếu trồng trong nhà thì cần theo dõi sát về ôn ẩm độ để có những điều chỉnh phù hợp.

- Thu gom lá bị bệnh nặng đem ra tiêu hủy.

- Luân canh với cây trồng khác họ khi áp lực bệnh cao.

- Trong điều kiện thời tiết âm u ít nắng, sương mù nhiều, không khí ẩm thấp và mát, thì cần phòng ngừa trước bằng: DIPOMATE 80WP, với liều lượng 1,7-2,3 kg/ha. Lượng nước phun 400 lít/ha.

- Kiểm tra vườn hoa thường xuyên, khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên vườn thì nên phun 2 lần cách nhau 3-5 ngày.


Chống rét cho trâu bò trước rét đậm kéo dài Chống rét cho trâu bò trước rét đậm… Nuôi nhện thiên địch, giảm 80% sâu hại mà không cần thuốc BVTV Nuôi nhện thiên địch, giảm 80% sâu hại…