Bệnh nguy hiểm thường gặp trên cá hồi
Cá hồi là loài cá nước lạnh hiện nay đang được nuôi nhiều ở một số địa phương của nước ta như Sapa (Lào Cai), Hà Giang, Bắc Giang, Lâm Đồng... bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Đây là loài cá ngoại nhập nên cũng có những bệnh đặc trưng riêng. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc và người nuôi cá hồi một số tư liệu về một số bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây nên ở cá hồi và biện pháp phòng ngừa.
1. Bệnh nhọt (Furunculosis):
* Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Aeromonas salmonicida.
* Dấu hiệu bệnh lý: Bệnh nhọt là một bệnh bao gồm cả giai đoạn cấp tính và mãn tính với nhiều biểu hiện lâm sàng. Bệnh thường xuất hiện và phát triển như một dạng nhiễm trùng máu và gây tử vong cho cá. Cá bị nhiễm bệnh thường thấy xuất hiện nhọt trên trên cơ thể, da cá có màu đen sẫm. Cá có thể rơi vào tình trạng hôn mê, bỏ ăn. Sự xuất huyết xảy ra ở các vây, ruột cá bị viêm. Các vách ngăn trong khoang bụng cá cũng có dấu hiệu xuất huyết.
* Phân bố và lan truyền của bệnh:
Bệnh lan truyền chủ yếu từ cá bị nhiễm bệnh và nguồn nước ô nhiễm. Bệnh gây chết cho cá ở mọi lứa tuổi và gây thiệt hại nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu. Bệnh thường xuất hiện khi cá bị căng thẳng bởi sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, nuôi với mật độ quá cao, chất lượng nước kém hoặc cá bị các tổn thương ở da cũng là nguyên nhân làm cho cá dễ nhiễm bệnh.
* Biện pháp phòng ngừa:
- Nuôi đúng mật độ, quản lý tốt chất lượng nước.
- Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn ví dụ như oxytetracycline.
2. Bệnh do vi khuẩn Vibrio (Vibriosis)
*Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Vibrio anguillarum.
*Dấu hiệu bệnh lý: Cá nhiễm bệnh có biểu hiện chán ăn và bơi lội thất thường, vây và khu vực xung quanh lỗ huyệt, hậu môn và cả miệng cá có màu đỏ. Đôi khi có sự chảy máu ở miệng và mang. Nội tạng bên trong của cá có màu nhạt do mất máu.
*Phân bố và lan truyền của bệnh:
Bệnh lan truyền trong nước từ cá nhiễm bệnh cho cá khoẻ mạnh. Tỷ lệ chết cao. Bệnh hay xuất hiện khi nhiệt độ nước thấp và giảm nhiệt độ một cách đột ngột và phương pháp quản lý kém.
* Biện pháp phòng ngừa:
- Sử dụng biện pháp phòng ngừa chung như quản lý môi trường thật tốt.
- Dùng kháng sinh trộn với thức ăn để trị bệnh tuy nhiên phương pháp này gặp khó khăn là khi cá bị bệnh thường bỏ ăn nên việc phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để điều trị rất quan trọng.
- Phương pháp dùng vacxin cũng là một trong những cách hiệu quả để phòng trị bệnh.
3. Bệnh vi khuẩn ở thận cá (Bacterial kid disease)
* Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Corynebacterium.
* Dấu hiệu bệnh lý: Cá bị bệnh có dấu hiệu bỏ ăn, bơi lên gần mặt nước. Trên cơ thể có màu đen. Xuất hiện những tổn thương màu hơi trắng trên thận. Thận và gan của cá bị xuất huyết mạnh (chảy máu).
* Phân bố và lan truyền của bệnh: Đây là bệnh mãn tính nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra dịch cấp tính nhất là khi nhiệt độ môi trường từ 13-18oC. Bệnh này gây ra tỷ lệ tử vong trong quần đàn cao. Bệnh lan truyền trong môi trường nước và đặc biệt là do máu của cá chảy ra làm cho bệnh lây lan nhanh.
* Biện pháp phòng ngừa:
- Trộn kháng sinh vào thức ăn rồi cho cá ăn.
- Vớt những con cá bị bệnh ra khỏi ao hoặc bể nuôi để hạn chế lây lan.
4. Bệnh vi khuẩn ở mang cá (Bacterial gill disease)
* Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Myxobacterium.
* Dấu hiệu bệnh lý: Mang cá bị sưng tấy và mất nhớt, các tơ mang dính lại với nhau làm giảm khả năng hô hấp của cá. Cá hô hấp kém nên hoạt động lờ đờ và có dấu hiệu bỏ ăn.
* Phân bố và lan truyền của bệnh: Bệnh lây lan rất nhanh đặc biệt trong ao, bể nuôi với mật độ cao.
* Biện pháp phòng ngừa:
- Tắm cho cá bằng thuốc diệt vi khuẩn (thuốc sát trùng).
- Thường xuyên lọc nước để đảm bảo cho nước sạch.
- Khi cá bị bệnh thì cần san thưa mật độ cá để điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ