Bệnh nứt thân chảy nhựa trên dưa, bí
Dưa hấu, bí xanh thu đông là cây chủ lực trong cơ cấu cây rau màu vụ đông của 2 xã Hợp Tiến và Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Khác hẳn với nhiều vụ ở các năm trước, vụ thu đông năm 2011, cây dưa, bí đã phát triển không thuận lợi ngay từ đầu vụ do thời tiết không thuận lợi, các loại nấm bệnh nhiều hơn.
Qua thực tế thăm đồng cùng nông dân ngày 02/11/2011, xem xét và đánh giá các triệu chứng trên cây, chúng tôi thấy: Bệnh trầm trọng nhất đang phát sinh và gây hại dưa, bí là nấm bệnh gây nứt thân chảy nhựa. Nông dân nơi đây đã sử dụng nhiều loại thuốc để phun trừ nhưng không hiệu quả vì chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp cũng như chưa biết cách dùng thuốc đặc trị…
Xin chia sẻ một số kinh nghiệm về cách phòng trừ bệnh này như sau:
Triệu chứng điển hình: Đầu tiên trên thân có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa nâu đỏ ứa ra. Bệnh nặng, thân dây nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám, ngọn chun, quả không phát triển, đôi khi làm chết cả dây dưa, bí.
Nguyên nhân: Bệnh do nấm Mycosphaerella melonis gây ra. Nấm phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao, cây trồng được bón nhiều đạm.
Cách phòng trị:
- Phòng bệnh: Nấm bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện luống dưa quá ẩm ướt, được bón nhiều đạm. Để hạn chế một cách tối đa sự phát sinh phát triển của bệnh, nông dân cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp sau:
+ Xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột với lượng 25- 30kg/sào BB.
+ Đảm bảo mật độ vừa phải: cây cách cây 40- 45cm, hàng cách hàng 2,5m.
+ Cần thường xuyên thăm đồng, tỉa bỏ bớt các nhánh vô hiệu, lá già tạo độ thông thoáng cho luống dưa, bí.
+ Không tưới nước quá nhiều vào buổi chiều. Khi tưới nước cần chú ý không nên làm ướt lên thân, lá. Tốt nhất nên áp dụng biện pháp tưới rãnh, cho ngấm đủ độ ẩm (80-85%) rồi tháo kiệt nước đi. Nếu trồng dưa bí trên những chân ruộng trũng hoặc đất thoát nước kém thì nên đào một hố kích thước 1x1x1 m ở góc ruộng nhằm thoát nước tốt cho các luộng dưa, bí.
+ Hạn chế bón phân đạm khi thấy dưa, bí chớm bị bệnh.
+ Nhổ bỏ và tiêu huỷ những cây bị bệnh nặng.
+ Phun thuốc phòng bệnh khi thời tiết có sương ban đêm hoặc khi thấy thân lá cây rậm rạp, xanh tốt. Thuốc dùng để phòng bệnh nên chọn các loại thuốc gốc đồng như: Bacba 86, Kocide, Boocdo…
- Trị bệnh: Qua thực tế để trị bệnh nứt thân chảy nhựa trên cây dưa hấu ở 2 vụ xuân hè và hè thu trong mô hình trình diễn tại xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương cho thấy: Một số loại thuốc trừ nấm đặc trị bệnh này có hiệu quả cao là: Revus opi 440SC (1lọ/2 bình 16l), Score 250EC (5cc/bình 12l), Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP.
* Chú ý: Để đạt hệu quả cao trong khi dùng thuốc trừ bệnh cần phun lặp lại lần 2 sau 4-5 ngày. Trong thời gian trị bệnh cho cây cần giảm lượng nước tưới, tuyệt đối không được làm ướt lên thân, lá khi tưới; hạn chế bón đạm, bổ sung canxi, kali cho cây để giúp cây phục hồi nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ