Tôm hùm Bệnh sữa ở tôm hùm

Bệnh sữa ở tôm hùm

Tác giả Châu An, ngày đăng 21/10/2019

Bệnh sữa ở tôm hùm

Bệnh do vi khuẩn Rickettsia - like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.

Khi tôm bị bệnh, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục, dịch tiết (gồm cả máu) của tôm có màu đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão. Gan tụy chuyển màu nhợt nhạt, có trường hợp hoại tử. Bệnh xảy ra ở ở tôm từ 50 - 500 g/con, gây chết từ rải rác đến hàng loạt.

Có thể tiến hành trị bệnh sữa cho tôm hùm như sau:

Phác đồ 1: Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1 ml Oxytetracyline 20% + 9 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1 ml thuốc đã pha/100 g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2 ml Oxytetracyline 20% + 8 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05 ml thuốc đã pha/100 g tôm. Nên dùng xilanh có dung tích 1 ml để tiêm tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Sau khi điều trị, tiến hành kiểm tra lại toàn bộ tôm được điều trị. Kiểm tra dấu hiệu lâm sàng xem tôm còn dấu hiệu bệnh hay không. Nếu có điều kiện, người nuôi nên tiến hành thu, gửi mẫu xét nghiệm bệnh sữa tại các phòng thử nghiệm. Trường hợp sau khi thực hiện đúng phác đồ điều trị bệnh không khỏi, hoặc có những biến đổi bất thường, cơ sở nên báo cơ quan quản lý thú y thủy sản tại địa phương để hướng dẫn giải quyết.

Bảng 1: Chăm sóc tôm hùm bị bệnh sữa

Ngày điều trị

Nội dung

Lưu ý
1

Tiêm tôm

Cho ăn thức ăn trộn premix

Thực hiện đúng kỹ thuật tiêm tôm. Lượng thức ăn giảm đi một nữa so với những ngày bình thường không điều trị
2-6 Cho ăn thức ăn trộn premix Từ ngày thứ 2 trở đi, căn cứ vào lượng thức ăn dư thừa, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với nhu cầu của tôm
7

Kéo lưới kiểm tra toàn bộ tôm trong lồng nếu thấy:

- Dấu hiệu sữa giãm, số lượng tôm bị bệnh sữa giảm thì tiếp tục điều trị

- Dấu hiệu sữa tăng, số lượng tôm bị bệnh sữa tăng thì tiến hành điều trị lại từ đầu

8-14 Cho ăn thức ăn trộn premix và men tiêu hóa

 

Phác đồ 2: Treo túi khử trùng Chlorine dioxide (thành phần chính là Natri Chlorite), 2 túi/lồng, mỗi túi 10 viên (10 g thuốc), 1 lần/ngày. Dùng doxycyline 10% trộn thứ ăn với 7 g/kg thức ăn (chọn thức ăn có kích cỡ phù hợp với kích cỡ miệng tôm, sau khi trộn thuốc phải có thời gian để thuốc ngấm),  áp dụng 1 lần/ngày và trong 7 ngày liên tục. Lượng thức ăn trộn thuốc nên sử dụng lượng ít hơn bình thường để tôm sử dụng hết thức ăn, sau đó điều chỉnh tăng dần cho phù hợp. Bổ sung premix (vitamin, axit amin, khoáng chất) trộn thức ăn trong toàn bộ quá trình điều trị. Thời gian điều trị 10 ngày, sau đó dừng thuốc hoàn toàn; nếu không khỏi thì chuyển sang tiêm.

Tiến hành trộn thức ăn với thuốc bổ trợ đã tính toán, để khoảng 30 phút; sau đó cho chất bọc thuốc và trộn lại lần nữa trước khi cho ăn. Cho thức ăn vào túi hoặc vợt thả xuống đáy lồng rồi rải thức ăn ra đáy lồng cho tôm ăn lúc chiều tối. Trong quá trình điều trị cần bổ sung một số men, vitamin vào thức ăn. Liều lượng thuốc bổ trợ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y hoặc nhà sản xuất.


Phòng, trị bệnh cho tôm hùm nuôi Phòng, trị bệnh cho tôm hùm nuôi Phân biệt tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt Phân biệt tôm càng đỏ và tôm hùm…