Dưa leo (Dưa chuột) Bệnh sương mai giả hại dưa chuột

Bệnh sương mai giả hại dưa chuột

Tác giả PGS.TS. Nguyễn Kim Vân, ngày đăng 18/07/2018

Bệnh sương mai giả hại dưa chuột

Hiện nay, trên một số vùng trồng dưa chuột bao tử phổ biến ở miền Bắc nước ta điển hình như huyện Kim Bảng và huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bệnh sương mai giả đang xuất hiện phá hại khá nghiêm trọng. Đây là một bệnh truyền nhiễm do nấm gây ra trên cây dưa chuột.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh thường thể hiện rõ nhất ở trên lá là những đốm nhỏ màu xanh vàng hoặc màu nâu nhạt, hình đa giác hoặc hình bất định, nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá. Bệnh lây lan rất nhanh, nhiều vết liên kết với nhau làm lá vàng khô cháy, chóng tàn. Bệnh có thể lây lan sang cả thân, cành, hoa, quả. Khi gặp thời tiết ẩm ướt, mặt dưới lá chỗ mô bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu trắng bông xốp tựa như lớp sương muối.

Nguyên nhân gây bệnh là nấm Pseudoperonospora cubensis Rostovtzev. Đây là loại nấm ký sinh chuyên tính (ngoại ký sinh), hình thành bào tử phân sinh và rất dễ lây lan truyền bệnh nhờ gió, nước mưa, nước tưới trong điều kiện có ẩm độ cao (mưa phùn, mưa nhỏ hoặc giọt sương...) và có nhiệt độ thích hợp (nhiệt độ không khí trong khoảng > 20oC). Điều kiện thời tiết vụ đông xuân miền Bắc nước ta (từ tháng 11 đến tháng 3) rất thuận lợi cho bệnh này phát triển, nhất là khi có các đợt rét, nhiệt độ giảm thấp và mưa ẩm kéo dài. Nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm và bào tử. Bệnh phát triển phá hại nặng trên những ruộng dưa chuột quá ẩm ướt, bón phân NPK không cân đối, đặc biệt trong điều kiện thiếu dinh dưỡng vi lượng, kém chăm sóc, không chú ý vệ sinh đồng ruộng trong thời gian cây đang sinh trưởng và sau khi thu hoạch.

Trong những vụ gần đây, do yêu cầu kinh tế và xuất khẩu, hiện nay bà con nông dân ở các huyện Lý Nhân và Kim Bảng thường trồng giống dưa chuột Mirabelle F1 và một số giống gốc địa phương. Giống Mirabelle F1 có khả năng sinh trưởng mạnh, năng suất bình quân khá cao từ 1,5 tấn đến 1,8 tấn quả/sào Bắc bộ. Giống dưa này có kích cỡ thích hợp cho việc đóng hộp xuất khẩu, thu nhập bình quân trừ chi phí trên 1 sào có thể thu lãi 5.000.000đ. Tuy vậy giống dưa chuột này thường bị bệnh sương mai giả phá hại nặng trong vụ đông xuân. Mặt khác do đặc tính sinh trưởng, sinh lý cây dưa chuột yêu cầu một lượng nước lớn và lượng dinh dưỡng bổ sung rất cao (đặc biệt là đạm) đây là hai yếu tố dẫn đến cây dưa chuột thường bị nhiều loại bệnh phá hại ngoài bệnh sương mai giả như bệnh nứt thân, thối rế, lở cổ rễ, phấn trắng, bệnh đốm lá vi khuẩn, bệnh khảm lá virus, bệnh vàng lá do thiếu nguyên tố vi lượng...

Vì vậy để phòng trừ bệnh sương mai giả dưa chuột và một số bệnh nấm hại khác, người sản xuất cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:

- Chọn giống tốt, lấy giống từ những ruộng không bị bệnh.

- Xử lý hạt giống bằng thuốc hoá học.

- Dọn sạch tàn dư thân, cành, lá, cây bị nhiễm bệnh (ngắt bỏ những lá bị bệnh nặng trong thời kỳ sinh trưởng và vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch).

- Chú ý bón đủ phân chuồng hoai mục ở thời kỳ trước khi trồng. Sau khi trồng định kỳ tưới thúc phân cân đối N. P. K. Có thể bổ sung phân đạm qua lá Bayfolan khoáng chất 11 - 8 - 6 của Công ty Bayer. Phun lần 1 trước khi cây ra hoa một tuần (khoảng 3 tuần sau khi trồng) và phun lần hai sau lần một 14 ngày với liều lượng 25ml Bayfolan/bình 8 lít hoặc 50ml/bình 16 lít.

- Khi bệnh sương mai giả xuất hiện trên lá dưa chuột, cần kịp thời phun thuốc Nativo 750WG (liều lượng 120g/ha) phun kết hợp hoặc luân phiên với thuốc Antracol 70WP (liều lượng 3kg/ha) cũng có thể thay thế hoặc luân phiên 2 loại thuốc trên bằng thuốc Aliette 800WG (liều lượng 1,5kg/ha) hoặc thuốc Melody DUO 66,75WP (liều lượng 1,5g/ha). Thuốc Nativo 750 WG và Antracol 70WP không chỉ có tác dụng phòng trừ tốt bệnh sương mai giả mà còn có tác dụng ngăn ngừa và diệt trừ tốt các bệnh nấm hại khác trên cây dưa chuột.


Quy trình rau an toàn cho cây dưa leo tại tỉnh Bình Phước - Phần 1 Quy trình rau an toàn cho cây dưa… Phòng ngừa bệnh khảm hại dưa leo Phòng ngừa bệnh khảm hại dưa leo