Nuôi trâu Bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò và biện pháp phòng chống

Bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò và biện pháp phòng chống

Tác giả Chi cục Thú Y, ngày đăng 25/02/2016

Bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò và biện pháp phòng chống

Trâu, bò có thể bị cảm nhiễm. Vi khuẩn có sẵn trong đất và vào mùa mưa rất dễ phát tán, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi vào các nguồn nước, trâu, bò mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh cũng có thể lây lan trực tiếp từ gia súc bệnh sang gia súc khoẻ thông qua tiếp xúc (nhốt cùng chuồng, chung nguồn thức ăn, nước uống....) hoặc có thể do một số vật môi giới truyền bệnh (côn trùng, chó, mèo, chuột….) hút máu gia súc bệnh, ăn thịt gia súc bệnh bị chết, bị giết mổ.

I. Đặc điểm của bệnh

1) Nguyên nhân gây bệnh: 

Bệnh Tụ huyết trùng ở trâu bò do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, thể hiện đặc trưng là tụ và xuất huyết ở các vùng đặc biệt trên cơ thể. Vi khuẩn vào máu gây nhiễm trùng máu, thể nặng gọi là bại xuất huyết trâu bò.

Vi khuẩn có sức đề kháng không cao cho nên vi khuẩn không tồn tại lâu ngoài cơ thể trâu bò; trong đất ẩm và thiếu ánh sáng, đầm lầy, ao bẩn có nhiều chất hữu cơ, trong chuồng trại thường tồn tại 1-3 tháng.

Vi khuẩn tụ huyết trùng dễ bị diệt bằng nước nóng 580C trong 20 phút, ánh sáng mặt trời trong 12 giờ, nước vôi 10%, formol 1%, axit fenic 5% đều diệt được trong thời gian 1-3 phút.

Các chất sát trùng thông thường cũng dễ tiêu diệt được vi khuẩn.

Nguồn bệnh chính là các trâu bò mang trùng. Vi khuẩn ký sinh ở niêm mạc mũi, hầu và tuyến hạnh nhân. Trên đàn gia súc đã từng xảy ra bệnh, có đến hơn 40% trâu bò khoẻ mạnh vẫn mang trùng.

 2) Dịch tễ của bệnh:

- Trong tự nhiên trâu thường mẫn cảm với bệnh hơn bò. Trâu bò ở mọi lứa tuổi đều bị mắc bệnh. Tuổi hay bị nhất là từ 6 tháng đến 2, 3 năm. Bệnh có thể lây từ trâu bò sang heo và ngựa.

- Đường lây bệnh : Bệnh lây chủ yếu do thức ăn bị nhiễm mầm bệnh hoặc qua đường hô hấp, da bị sây sát (nhất là ở nơi mổ thịt gia súc bệnh, bán thịt,da,móng …). 

Vai trò của ngoại ký sinh trùng cắn hoặc hút máu lây lan bệnh vẫn chưa được rõ mặc dù Macadam (1962) đã thí nghiệm trên thỏ chứng minh ve có thể truyền bệnh .

- Các Stress do ngoại cảnh là yếu tố quan trọng cho bệnh phát ra. Bệnh thường xảy ra khi trâu bò bị lạnh, ẩm ướt, nhốt trong chuồng trị không thích hợp, đói hoặc kiệt sức.

Khi sức khỏe gia súc yếu sẽ giảm sức đề kháng, mất thế cân bằng sinh học thì vi khuẩn có trong cơ thể gia súc trở nên cường độc gây bệnh hoặc bài thải ra môi trường gây bệnh cho trâu bò, gia súc khác.

- Bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới Châu Âu, Châu Á, Châu Phi…thường phát sinh ở các vùng nóng ẩm và xảy ra rải rác quanh năm.

Tuy nhiên có tính chất theo mùa và thường rộ lên vào lúc giao mùa mưa, nắng nóng thất thường, hoặc chuyển vùng.

Ở nước ta, bệnh tụ huyết trùng xảy ra ở khắp các vùng, thường vào đầu mùa mưa, vùng sau lũ lụt (thường từ tháng 4 đến tháng 10).

 3) Triệu chứng và bệnh tích:

Bệnh có 03 thể:

- Thể quá cấp tính hay còn gọi thể bại huyết hoặc thể ác tính.

- Thể cấp tính.

- Thể mãn tính.

Thể quá cấp tính: Trâu bò bị thể bệnh này có biểu hiện đột nhiên bò sốt cao, run rẩy, có triệu chứng thần kinh như hung dữ, điên cuồng, đập đầu vào chuồng, chết nhanh trong 24 giờ. Thường rất ít triệu chứng lâm sàng.

Thể cấp tính: Bệnh thường ở thể cấp tính đối với trâu bò, thời gian nung bệnh chỉ 1-3 ngày, thể hiện không nhai lại, mệt nhọc, sốt cao đột ngột 40-410C; nước mắt, mũi chảy liên tục; niêm mạc mắt, mồm, mũi, tổ chức dưới da có tụ huyết đỏ sẫm; tối xám.

Hạch lâm ba sưng, nhất là ở hầu sưng rất to do vậy thú bệnh phải lè lưỡi ra, thở khó, thường gọi là "bệnh trâu bò hai lưỡi". Hạch lâm ba vai, đùi sưng, thủy thũng nên gia súc bệnh đi lại khó khăn.

Trâu, bò bị bệnh ở thể phổi thì thở mạnh và khó do màng phổi viêm, tràn dịch, tụ huyết, viêm phổi cấp.

Một số trâu bò bị thể đường ruột thì chùm hạch ruột to có xuất huyết, niêm mạc ruột tụ, xuất huyết nặng, tróc ra, ỉa chảy dữ dội, phân lẫn máu.

Lúc gần chết, trâu bò bệnh nằm liệt, đái ra máu, thở rất khó, xuất huyết ở các niêm mạc. 

Diễn biến bệnh trong 3 đến 5 ngày, tỷ lệ chết đến 90-100%, nếu nhiễm trùng máu chết nhanh hơn trong 1-1,5 ngày.

Thể mãn tính: Nếu gia súc bệnh không chết sẽ chuyển ra mãn tính, với các biểu hiện: viêm ruột làm gia súc lúc ỉa chảy, lúc táo bón .

Viêm khớp dẫn đến gia súc đi lại khập khiễng, khó khăn. Viêm phế quản và phổi mãn tính (ho kéo dài).

Trong vài tuần, gia súc có thể khỏi bệnh nhưng thường gầy rạc.

 4) Điều trị bệnh:

Pasteurella mẫn cảm đối với một số kháng sinh như Streptomycine (và phối hợp với Penecilline); Gentamycine; Ampicilline; Tetracycline; Enrofloxacine; Thiamfenicol…

Hai loại thuốc này (strep và peni) nên tiêm riêng, không nên tiêm chung một lần, vì một loại có tính axit, một loại có tính kiềm nên trộn lẫn trong một sơranh thuốc sẽ giảm tác dụng.

Ngoài ra còn có thể dùng thuốc Cefalosporin (thuốc nhân y). Trâu, Bò lớn có thể dùng 5 – 6 lọ 1g cho 1 lần tiêm, chỉ cần tiêm ngày 1 lần là đủ, liệu trình điều trị 3-5 ngày.

Tuy nhiên do bệnh diễn biến nhanh nên chỉ điều trị có hiệu quả cao khi sử dụng kháng sinh sớm, đủ liều, đủ liệu trình và kết hợp với thuốc hạ sốt, trợ sức. Đồng thời phải tăng cường quản lý, chăm sóc và bồi dưỡng tốt cho gia súc bệnh.

 5) Phòng bệnh:

- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như vệ sinh ăn uống, chăm sóc ,sử dụng hợp lý, thường xuyên tiêu độc chuồng trại, không để gia súc ở lầy lội, ẩm ướt… 

- Tiêm phòng: Biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát bệnh là tiêm vaccine hàng năm (6 tháng một lần) cho các đàn gia súc, để gia súc có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể gia súc gây bệnh.

Tại Nghệ An, thường dùng vắc xin keo phèn chủng P52 của công ty Navetco. Thường miễn dịch được 4-6 tháng.

- Ở các ổ dịch phải cách ly gia súc ốm, công bố có dịch, không vận chuyển, không mổ thịt, chôn sâu con chết có vôi bột, sát trùng chuồng trại, cống rãnh. Chăm sóc, quản lý tốt đàn trâu bò, cho ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng.

 II. Một số biện pháp phòng chống dịch Tụ huyết trùng trâu bò, lợn hiệu quả:

Để hạn chế dịch bệnh Tụ huyết trùng xảy ra trên đàn trâu, bò, lợn...các cấp, các ngành và người chăn nuôi cần phối hợp thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

1) Tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Tụ huyết trùng ở gia súc để các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người không lơ là, chủ quan.

Vận động người chăn nuôi cải tiến tập quán chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi chăn dắt, chăn nuôi trang trại và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

2) Chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm để cách ly và điều trị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp để khống chế, bao vây, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp.

3) Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vaccine Tụ huyết trùng cho trâu bò và lợn bao gồm: Tiêm phòng bao vây các ổ dịch, tiêm phòng định kỳ năm 02 đợt đạt tỷ lệ cao (đạt tối thiểu 70% tổng đàn).

Đặc biệt chú ý đàn trâu bò của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi có ổ dịch cũ.

4) Toàn bộ trâu bò chết vì bệnh cần được tiêu huỷ triệt để bằng phương pháp đào hố, đốt rồi chôn kỹ. Không mổ thịt và tiêu thụ thịt, sản phẩm của trâu bò chết, mắc bệnh.

Tăng cường công tác kiểm dịch động vật không bán chạy, để thương lái mua bán, vận chuyển gia súc trái phép khi có dịch xảy ra.

5) Thực hiện thường xuyên công tác khử trùng, tiêu độc, vệ sinh môi trường và an toàn sinh học trong chăn nuôi. Khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên quét dọn chuồng trại, thu gom phân rác, ủ phân nhiệt sinh học để tiêu giết mầm bệnh.


Bệnh dịch tả - Nguyên nhân và cách phòng trị Bệnh dịch tả - Nguyên nhân và cách… Kỹ thuật xử lý rơm lúa Kỹ thuật xử lý rơm lúa