Chuối Bệnh vàng lá Panama trên cây chuối và giải pháp phòng ngừa

Bệnh vàng lá Panama trên cây chuối và giải pháp phòng ngừa

Tác giả Hưng Thái, ngày đăng 14/07/2020

Bệnh vàng lá Panama trên cây chuối và giải pháp phòng ngừa

Nấm bệnh vàng lá Panama mẫm cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa. Cây bị bệnh muộn có thể vẫn cho buồng quả nhưng quả không có giá trị thương phẩm.

Bệnh vàng lá Panama (FOC) là một trong những vấn đề trở ngại trong sản xuất chuối của Việt Nam.

Tại hội nghị lần thứ 10 Mạng lưới chuối châu Á - Thái bình dương tổ chức ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 10/2016, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã giới thiệu kết quả nghiên cứu hiện trạng bệnh vàng lá Panama (FOC) trên cây chuối ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.

Trên thế giới, Trung Quốc đã công bố khoa học bệnh vàng lá Panama (FOC) năm 2004, Ấn độ công bố năm 2007, Philippines năm 2015...

Bệnh vàng lá Panama do nấm Fusarium oxysporumf.sp.cubense (FOC) gây hại trên các nhóm chuối gồm 4 chủng. Trong đó, chủng 1 gây hại trên các giống chuối tây, chủng 4 gây hại trên các giống chuối tiêu. Nấm FOC đã gây bệnh vàng lá khá phổ biến ở các vùng trồng chuối tây tập trung của nước ta.

Trên nhóm giống chuối tiêu, TS Trần Ngọc Hùng và cộng sự đã phát hiện các triệu chứng của bệnh vàng lá Panama trên giống chuối tiêu hồng ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ và một số địa phương của đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc.

TS Trần Ngọc Hùng cho hay, nấm FOC gây bệnh vàng lá Panama tại các vùng trồng chuối của Trung Quốc, rồi lây nhiễm vào nước ta theo dòng chảy tự nhiên từ các con sông bắt nguồn từ Trung quốc.

Nấm FOC có thể lây nhiễm và gây hại ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây chuối. Cây chuối bị bệnh vàng lá Panama (FOC) có biểu hiện ban đầu là các mép lá bị vàng, sau lan hướng vào gân lá. Trên cây, các lá già bị nhiễm vàng trước, lá non vàng sau gây ra hiện tượng lá chuối bị héo vàng, cuống gãy, lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Các lá già bị héo khô quanh thân giả, lá ngọn xanh và mọc thẳng, các lá ngọn này có màu xanh nhạt hoặc hơi vàng, nhăn nheo, cuối cùng cũng là héo úa. Cây bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con xung quanh vẫn phát triển nhưng sau đó cũng bị vàng héo. Chẻ dọc thân giả sẽ thấy các bó mạch bị vàng sau chuyển màu nâu. Cắt ngang củ chuối, các mạch củ có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi.

Nấm bệnh vàng lá Panama mẫm cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa. Cây bị bệnh muộn có thể vẫn cho buồng quả nhưng quả không có giá trị thương phẩm.

Nấm gây bệnh vàng lá Panama lưu tồn trong đất và các cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu qua cây chuối con và đất có mang mầm bệnh. Nấm FOC xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc các vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong bó mạch làm cho cây bị vàng héo và chết.

Hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ đặc hiệu bệnh vàng lá Panama. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Philippines... đều đưa ra các giải pháp phòng ngừa bệnh vàng lá Panama trên cây chuối trồng sở tại, nhưng chưa có giải pháp nào đạt hiệu quả triệt để.

TS Trần Ngọc Hùng khuyến cáo, cần thông tin rộng rãi cho mọi người dân biết các triệu trứng bệnh vàng lá Panama trên cây chuối, để nhà nông chủ động các biện pháp phòng ngừa như:

Không chuyển chuối từ vùng có dịch bệnh sang vùng không có dịch bệnh.

Không sử dụng cây giống tách chồi từ các vườn chuối nhiễm bệnh vàng lá Panama.

Tiêu hủy toàn bộ số cây bị nhiễm vàng lá Panama, bao gồm thân, lá, củ chuối và các tàn dư thực vật trong vườn.

Các vùng trồng chuối bị nhiễm vàng lá Panama nặng cần chuyển ngay sang cây trồng khác.

Các vùng mới phát triển trồng chuối cần dùng cây giống sạch bệnh (cây nuôi cấy mô).


Bón phân cho cây chuối Bón phân cho cây chuối Bệnh héo rũ Panama - 'Kẻ hủy diệt' chuối hàng loạt Bệnh héo rũ Panama - 'Kẻ hủy diệt'…