Bí quyết làm giàu: Kiếm tiền tỉ từ những gốc mai bỏ đi
Ông Tuấn đang hướng dẫn cách chăm sóc mai cho khách hàng - Ảnh: Tiến Huy
Tận dụng, thu mua những gốc mai già, bệnh tật, ông Tuấn đưa về chăm sóc, biến chúng thành mai bonsai, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Đến làng mai Nhơn An (TX.An Nhơn, Bình Định), hỏi thăm không ai không biết ông Nguyễn Trí Tuấn (57 tuổi, thôn Thanh Liêm), với biệt danh “Tuấn tiền tỉ”. “Trước kia tôi không có ý định trồng mai quy mô như thế này, nhưng ngoài thời gian lái máy ủi tôi hay đi xem người ta cắt tỉa vì cũng thích cây kiểng. Thấy hay hay, tôi mua hai cây mai có vài trăm ngàn đồng về chơi, sau bán được 5 - 6 triệu đồng. Lợi nhuận khá cao nên từ đó tôi nảy sinh ý tưởng trồng mai thương phẩm”, ông Tuấn kể lại cơ duyên với mai.
Ông Tuấn tốt nghiệp ngành cơ khí công nghiệp, đi làm nhà nước. Khi nhà nước xóa bao cấp, ông nghỉ làm và mua xe ủi để lập nghiệp, rồi bán xe ủi và về quê nhà quyết tâm đầu tư mạnh vào mai, ban đầu với khoảng 2.000 chậu. Ông chủ trương trồng dòng mai có tính phổ biến, ai cũng có thể chơi, thay vì mai thế. Với kinh nghiệm đúc kết từ lâu và sự khéo léo, những cây mai của ông Tuấn có dáng đẹp, hoa ra khá đều, đặc biệt rất hợp với ý thích người Việt. Hằng năm, ông Tuấn xuất bán ra thị trường khoảng nửa vườn, những chậu đã hình thành được cây lớn có thể sử dụng đi khắp cả nước.
So với những thế hệ trồng mai ở Nhơn An, ông Tuấn chỉ là “hậu bối” nhưng với tính cách ham học hỏi, chịu khó và sáng tạo nên chẳng mấy chốc vườn mai của ông chiếm lĩnh thị trường cả nước. Tết năm trước, vườn mai thu về cho gia đình ông khoảng 600 triệu đồng. Năm nay, ông nhẩm tính có thể sẽ cao hơn vì nhiều lứa mai nhỏ phát triển khá tốt.
Đối với những người trồng mai, lợi nhuận như thế đã quá đủ, nhưng ông Tuấn vẫn chưa hài lòng. Nhận thấy môi trường ngày càng đô thị hóa, đất đai thu hẹp và những chậu hoa truyền thống sẽ không có “chỗ đứng”, ông quyết định đầu tư vào loại mai nghệ thuật bonsai, vừa nhỏ gọn để bố trí, vừa mang tính nghệ thuật cao.
Năm 2012, sau khi đã tính toán và tìm hiểu kỹ thị trường, ông Tuấn chuyển hẳn sang trồng bonsai, vì lợi nhuận cao hơn mai truyền thống nhưng có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, diện tích trồng. Ông Tuấn mua những gốc hoa mai còi cọc, sâu bệnh chỉ với vài chục đến vài trăm ngàn, thậm chí có cây gần như chỉ còn vỏ. Sau đó tìm hiểu bệnh tật, nghiên cứu lý do cây không phát triển rồi có những giải pháp thích hợp để “hồi sinh” nhiều gốc tưởng chừng như không còn giá trị sử dụng. “Làm mai bonsai cho lợi nhuận cao nhưng không thể trồng, vì nếu trồng, khoảng 4 đến 5 năm mới có mai bán, nên tôi lùng sục các vườn mai trong và ngoài tỉnh để mua những cây mai dáng xấu, kém phát triển với giá rẻ mang về tạo dáng nghệ thuật”, ông Tuấn chia sẻ.
Ở làng mai Nhơn An, ông Tuấn là một trong những người tiên phong trong nghề trồng mai nghệ thuật bonsai. Để có thể tạo ra một chậu bonsai giá trị thẩm mỹ cao từ những gốc mai bỏ đi như vậy, ông cho biết cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc và trải qua nhiều giai đoạn chăm sóc. Ông còn tự nhân giống, chiết cành, tạo cho riêng mình một loại giống cây, mang thương hiệu riêng là “giống cây Tuấn Ngọc”. “Tôi chỉ mong muốn thành lập một hợp tác xã để duy trì làng mai cho thị xã. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho những người lớn tuổi vì làm mai không có gì nặng nhọc nên nếu ai có ý định trồng mai thì tôi sẽ cố gắng hướng dẫn tận tình”, ông Tuấn nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ