Mô hình kinh tế Biến bãi hoang ven sông thành vườn lan tiền tỷ

Biến bãi hoang ven sông thành vườn lan tiền tỷ

Ngày đăng 19/10/2015

Biến bãi hoang ven sông thành vườn lan tiền tỷ

Nhờ chăm chỉ, yêu nghề, anh đã trở thành người sản xuất hoa lan lớn nhất nhì thành phố với lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/năm.

Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo, sỏi đá dài hơn 3km dẫn chúng tôi vào vườn hoa lan của anh Nguyễn Văn Nhật.

Khu vườn rộng gần 5ha được phủ kín lan Mokara đang vươn mình khoe sắc.

Ít ai hình dung được khu vườn này trước đây chỉ là bãi hoang đầy lau, sậy ven sông chẳng ai thèm đoái hoài.

Anh Nhật bảo: “Trước đây khu đất này chỉ trồng lạc (đậu phộng), nhưng do không hiệu quả nên bị bỏ hoang.

Điều đó đã thôi thúc tôi phải tìm ra mô hình cây trồng thích hợp, bởi tôi tin đất sẽ chẳng phụ lòng người…”.

“Canh bạc” cải tạo đất

 

Anh Nguyễn Văn Nhật bên trang trại trồng lan tiền tỷ là bãi hoang ven sông Sài Gòn.

Từ 10 năm trước, khi nghề trồng hoa lan còn khá xa lạ với người dân TP.HCM, anh Nguyễn Văn Nhật đã có 5.000m2 trồng hoa lan.

Anh tâm sự: “Hồi đó được cha mẹ cho 5.000m2 đất, tôi dồn hết vốn liếng vào trồng lan.

Ai cũng nghĩ tôi quá liều vì khi đó thị trường hoa lan cắt cành chưa nở rộ như bây giờ, đầu ra cũng hiếm”.

Những ngày đầu tiên thu hoạch lan thương phẩm, anh Nhật phải chạy khắp nơi để tìm mối bán hàng.

Có lẽ bởi khả năng giao tiếp khéo léo, cùng với gương mặt thật thà - lời anh Nhật - mà sản phẩm lan cắt cành của anh dần được thị trường TP.HCM và các tỉnh vùng ven chấp nhận.

Anh cười: “Lúc đó cầm những đồng tiền kiếm được từ trồng lan, tôi mừng không cầm được nước mắt bởi tôi biết, mình có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương…”.

Năm 2007, thành phố có chương trình cho nông dân vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và anh Nhật mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng NNPTNT (Agribank) để mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, do lượng vốn vay được còn hạn chế nên anh cũng chỉ biết “lấy ngắn nuôi dài”, mua mỗi lần khoảng nghìn gốc các loại giống lan của Thái Lan về trồng.

Tiền lời thu được, anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng vườn lan.

“Hồi mới vào nghề, tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu sách vở, mạng internet về kỹ thuật chăm sóc hoa lan, rồi tự áp dụng trên vườn lan của mình và đúc rút kinh nghiệm.

Bây giờ trồng lan không còn vất vả như trước, nhưng tôi vẫn thường xuyên thăm vườn để theo sát từng bước phát triển của cây” - anh Nhật nói.

Mặc dù doanh thu từ trồng lan đã lên tới tiền tỷ, nhưng thấy thị trường lan cắt cành còn rộng mở nên anh Nhật vẫn không ngừng tìm tòi, nghĩ cách phát triển vườn lan hơn nữa.

Năm 2013, nhận thấy những diện tích đất bãi ven sông còn bỏ hoang nhiều, anh Nhật quyết định dồn toàn bộ vốn liếng thu được từ trồng lan, cộng với khoản vay từ hỗ trợ lãi suất của Agribank (lúc này đã lên tới 2,5 tỷ đồng) để mua thêm gần 5ha đất hoang.

“Thấy tôi mua đất hoang, rồi thuê máy bơm cát từ sông lên để san lấp mặt bằng, cải tạo đất, nhiều người tỏ ra nghi ngờ làm vậy biết bao giờ mới thu hồi được vốn.

Tôi vẫn bảo vệ quan điểm của mình, đất hoang rồi sẽ nở hoa…” - anh Nhật kể.

Kiên trì như vậy, vườn lan của anh Nhật dần tươi tốt và đến nay đã trở thành một trong những vườn lan có quy mô lớn nhất nhì TP.HCM.

Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí anh thu lời từ 100 - 180 triệu đồng.

“Hiện tại, sản phẩm lan cắt cành của tôi không chỉ gói gọn ở thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận nữa mà đã vươn xa khắp đất nước, trong đó khoảng 60% sản lượng tập trung cho thị trường Hà Nội, 20% cho thị trường Huế” - anh Nhật tự hào nói.

Mong Việt Nam tự sản xuất được giống lan

Đến nay ở tuổi 52, anh Nhật đã trở thành “bậc thầy” trong nghề trồng lan.

Đặc biệt, vườn lan của anh cũng là địa chỉ được nhiều nông dân TP.HCM và các tỉnh lân cận tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Anh cho biết: “Trồng lan không khó nhưng để cây cho giá trị kinh tế cao, người trồng phải biết cách chăm cho hoa đẹp và thu hoạch đúng thời điểm thị trường có nhu cầu lớn.

Muốn vậy, ngoài việc chọn được giống lan tốt, bà con phải nắm rõ các bước phát triển của cây như: Một ngày chiếu sáng 8 giờ, nếu không đủ sẽ khó ra hoa.

Ở thành phố thường phải che lưới để làm giảm cường độ chiếu sáng, nhưng tăng thời gian chiếu sáng…”.

Ði thăm vườn lan được xây dựng quy củ, chia thành nhiều khu vực riêng như khu làm giống, cho bông...

với hệ thống tưới nước bán tự động, chúng tôi càng cảm phục tinh thần ham học hỏi của anh nông dân Nguyễn Văn Nhật.

Anh chia sẻ, việc chia thành khu vực riêng không chỉ giúp người trồng điều tiết được lượng cây cho hoa phù hợp với nhu cầu thị trường mà còn giảm bớt nhân công chăm sóc.

“Nếu như trước đây cần tới 5 - 7 người chăm sóc cho 1ha lan thì nay chỉ cần 3 nhân công trực tiếp là đủ” - anh Nhật nói.

Từ sản xuất hoa lan cắt cành, hiện anh Nhật đã có cuộc sống khá giả với căn biệt thự khang trang và 2 chiếc xe ô tô dùng đi giao dịch.

Mặc dù mỗi tháng đút túi gần 200 triệu đồng lợi nhuận, anh Nhật vẫn luôn trăn trở đến khi nào Việt Nam mới sản xuất được giống lan đạt tiêu chuẩn.

“Hiện tại, người trồng lan trong nước đang phải mua cây giống từ Thái Lan rất đắt đỏ, trung bình mỗi ha mất khoảng 2,5-3 tỷ đồng.

Mặc dù trong nước đã có nhiều nơi sản xuất được giống lan, nhưng do kỹ thuật còn hạn chế nên chỉ khi nào ra bông mới biết được màu sắc của nó.

Mong sao thời gian tới chúng ta sản xuất được giống lan tốt, đạt chuẩn để giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận” - anh Nhật trải lòng.

Hiện trang trại trồng lan của anh Nhật đang giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động cố định với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người (bao ăn, ở), ngoài ra, hàng tháng anh cũng giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thời vụ trên địa bàn.


Cần gỡ khó cho kinh tế trang trại Cần gỡ khó cho kinh tế trang trại Đơn Dương huyện có 6.400 nông dân giỏi Đơn Dương huyện có 6.400 nông dân giỏi