Cà phê Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến cà phê?

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến cà phê?

Tác giả TS. Trương Hồng, ngày đăng 08/05/2018

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến cà phê?

Từ năm 2009 - 2010, nhiệt độ cao hơn các năm trước, nắng nóng kéo dài làm khô hạn rất nhiều nơi ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng khiến năng suất cà phê giảm khoảng 15 - 25% so với các năm trước.

Niên vụ 2013 - 2014, hạn hán kéo dài trong những tháng đầu năm khiến 45.000ha cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có khoảng 5.000ha bị mất trắng. Bệnh gỉ sắt bùng phát và gây ảnh hưởng tại một số huyện ở Lâm Đồng. Chưa kể mưa đá làm cho trái non bị rụng nhiều.

Tại Sơn La có 3 đợt rét đậm, rét hại và sương muối cuối năm 2017 làm cho 1.300ha cà phê bị ảnh hưởng. Khu vực Tây Nguyên, lá cà phê cũng bị rụng, hiện tượng “hoa chanh” xuất hiện với tỷ lệ khá cao, từ 20 - 30% ảnh hưởng đến năng suất.

Từ tháng 1 - 6/2016, tình trạng khô hạn khốc liệt diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm trên 100.000ha cà phê do không đủ nước tưới. Nghiêm trọng nhất là ở Đăk Lăk và Gia Lai có gần 40% diện tích cà phê bị ảnh hưởng. Một số diện tích bị chết không thể khôi phục được.

Lượng mưa bình quân có xu hướng thay đổi, đặc biệt là từ tháng 4 - 7/2016, giai đoạn cây cà phê cần nhiều nước để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của quả. Lượng mưa có xu hướng thấp, tần suất mưa ít, gây thiếu nước, cây không thể hấp thu dinh dưỡng đầy đủ để nuôi quả, làm quả cà phê bị khô và rụng, hoặc nhân nhỏ giảm năng suất, chất lượng.

Năm 2015 lượng mưa chỉ bằng 60% so với bình quân nhiều năm và là năm hạn khốc liệt nhất. Do tác động của El Nino cũng đã làm cho kích cỡ hạt cà phê nhân giảm khoảng 30%, đặc biệt là ở vùng khô hạn nặng thì giảm đến 45%.

Như vậy BĐKH làm tăng nguy cơ thiếu hụt nước tưới cho cà phê, vì thế ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Thực tế, ảnh hưởng rõ nét nhất là hiện tượng mùa mưa kết thúc sớm làm cây phân hóa mầm hoa sớm, kết hợp với cơn mưa muộn (tháng 12) làm cà phê nở hoa sớm và không tập trung ảnh hưởng đến năng suất.

Sự thay đổi về thời tiết, nhất là phân bố mưa, lượng mưa ở Tây Nguyên trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ. Tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, 1 là khá phổ biến. Điều này làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê phân hóa mầm hoa, khi tưới nước đầy đủ thì hoa nở, nhưng nhiều khi gặp mưa phùn thì tỷ lệ đậu quả thấp và thu hoạch sau này.

Vào những tháng cuối năm 2015, 2016 có những cơn mưa nhỏ bất thường đã làm hoa cà phê nở ở nhiều vùng ở Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, một số nơi tỷ lệ hoa nở lên đến 20%, gây khó khăn cho SX.

Sự thay đổi về thời tiết còn kéo theo sâu hại phát triển nhanh và khó dự báo. Rệp sáp hại cà phê đã thành dịch vào những năm 2000 - 2003, bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm (2000 - 2004), ve sầu hại rễ (2007 - 2009), bọ xít muỗi gây hại cà phê chè ở Lâm Đồng (2016 - 2017) làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng sản phẩm đáng kể.

Sự nóng lên do bức xạ nhiệt tăng thì nhu cầu nước của cây cà phê cũng tăng lên. Vì vậy yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của BĐKH. Chi phí đầu tư để thu được 1 đơn vị sản phẩm tăng, đồng nghĩa với thu nhập giảm và đời sống của người nông dân càng khó khăn hơn.

SX cà phê ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã và đang chịu tác động bất lợi của BĐKH có nguy cơ thiếu tính bền vững. Hệ thống giải pháp kỹ thuật canh tác thích ứng BĐKH bao gồm từ khâu sử dụng giống chống chịu với điều kiện bất thuận, sâu bệnh hại; bón phân cân đối; đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên vườn; tưới tiết kiệm; áp dụng IPM trong quản lý sâu bệnh hại... nhằm duy trì năng suất, chất lượng là vấn đề cần được quan tâm để ngành hàng cà phê giữ vững vị thế vốn có và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.


Bón phân hợp lý cho cây cà phê Bón phân hợp lý cho cây cà phê Giống cà phê mới năng suất cao Giống cà phê mới năng suất cao