Biến đổi khí hậu đe dọa Nuôi trồng thủy sản
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc gia Phân tích và Tổng hợp Sinh thái (NCEAS), Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) đang kêu gọi ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu có biện pháp ứng phó và sản xuất linh hoạt trước tình trạng phát triển quá nóng và trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp.
Lời cảnh báo mà NCEAS đưa ra không chỉ dành cho riêng ngành nuôi trồng thủy sản tại Nam Mỹ mà là hồi chuông báo động ngành thủy sản toàn cầu phải chung tay tìm ra giải pháp chủ động để bảo vệ an ninh lương thực thế giới trước thách thức biến đổi khí hậu. Halley Froehlich, Trưởng nhóm NCEAS, một chuyên gia nghiên cứu hậu tiến sĩ cho biết, nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng nó đang phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu. Đáng nói, những hậu quả này dường như ngày càng nghiêm trọng hơn và có xu hướng gia tăng. Trong một báo cáo đăng trên Nature Ecology and Evolution, Froehlich khẳng định, nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp giảm thiểu thiệt hại, ứng phó biến đổi khí hậu toàn thế giới sẽ phải đối mặt khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất. Do đó, Froehlich và nhóm nghiên cứu đang nỗ lực kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới bắt đầu thực hiện những kế hoạch dài hạn ngay từ bây giờ. Ông chia sẻ: “Chúng ta quá ưu ái và chú trọng đầu tư để thúc đẩy “tăng trưởng xanh” trong ngành nuôi trồng thủy sản ở cả những nước phát triển và đang phát triển mà quên mất cần phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thích hợp cho ngành thủy sản.
Nguyên nhân được cho là do phần lớn các quốc gia vẫn bình chân như vại vì chưa trực tiếp hứng chịu sự tàn phá ghê gớm của biến đổi khí hậu”.
Những nghiên cứu của NCEAS chính là những phân tích toàn diện đầu tiên về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đến sản xuất thủy sản ven biển trên toàn thế giới, đặc biệt là với hoạt động nuôi cá vây và nhuyễn thể có vỏ. Phân tích được thực hiện nhằm giúp người nuôi ven biển trên toàn cầu và các quốc gia ven biển có sự chuẩn bị tốt nhất và sẵn sàng thực hiện sự thay đổi “hy sinh” để đảm bảo sản xuất thủy sản bền vững. Do đó, các quốc gia ven biển có thể sẽ phải chấp nhận sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm sút theo thời gian khi mà nhiệt độ nước biển tăng và đại dương bị axít hóa.
Khu vực chiếm 90% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu là các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia - đây cũng là các quốc gia chịu tổn thương nghiêm trọng nhất trước biến đổi khí hậu. Nhiệt độ bề mặt nước biển tăng, axít hóa đại dương và sự thay đổi tảo - nguồn thức ăn chính của nhuyễn thể có vỏ như hàu, vẹm và nhiều loại khác sẽ tàn phá hoạt động sản xuất của ngành này trên toàn thế giới. Giải pháp mà nhiều quốc gia đang thực hiện là quản lý cấp giấy phép hoạt động và xác định vùng sản xuất an toàn cho các loại thủy sản khác nhau. Nếu ngay từ bây giờ, không thực hiện các biện pháp thích ứng kịp thời, sản lượng cá vây tới năm 2050 sẽ giảm 30% ở một số khu vực sản xuất trọng điểm. Theo Froehlich, chiến lược giúp đỡ các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản ven biển lúc này là di dời hoặc xây mới trại nuôi ở những vùng biển có điều kiện thuận lợi theo sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO.
Hiện, các hộ nuôi cá hồi tại Australia đã di dời nhiều lồng nuôi cá trên biển tới nơi an toàn hơn; trong khi người nuôi hàu tại Mỹ cũng đang trong quá trình di chuyển trại giống cách xa khu vực nước biển bị axit hóa ở phía tây bắc Thái Bình Dương.
Cuộc chiến đấu ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra khẩn trương trên toàn thế giới; đặc biệt, ở những khu vực đã và đang phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của biến đổi khí hậu. Những kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cho ngành nuôi trồng thủy sản cần sự chung tay của người nông dân và chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ