Tin nông nghiệp Biến giấc mơ nông sản sạch thành sự thật

Biến giấc mơ nông sản sạch thành sự thật

Tác giả Tuyền Nguyễn, ngày đăng 27/12/2016

Biến giấc mơ nông sản sạch thành sự thật

Sản xuất manh mún, mô hình “4 nhà” vẫn trên giấy, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp “hờ hững”..., đó là lý do nông sản sạch hiện vẫn chỉ là giấc mơ của đại đa số người tiêu dùng Việt. Chính vì thế, thông tin 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên chính thức bắt tay với VinEco sản xuất sạch đã mở ra hy vọng mới cho thị trường nông sản.

Trong ảnh: VinEco sẽ hỗ trợ về đào tạo kiến thức, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, kiểm soát quá trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Ảnh: T.N

Thừa đầu vào, thiếu đầu ra

Từ những năm 2000, Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và người sản xuất với mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Tuy vậy, các hình thức DN ký kết hợp đồng, triển khai tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân sau hơn 15 năm vẫn yếu kém và lỏng lẻo. Theo một khảo sát của Học viện Nông nghiệp trong nhiều năm cho thấy, có đến 77% số hộ nông dân được khảo sát ở Hòa Bình cho biết, không biết mô hình liên kết 4 nhà là gì.

Mục tiêu lớn nhất của chương trình là cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; thứ hai là hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp; tiến tới từng bước xây dựng được các thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế. Đây chính là tâm huyết của Vingroup cũng như của VinEco nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”. Bà Vũ Tuyết Hằng

Từ năm 2013 đến vụ đông xuân 2015-2016, đã có hàng nghìn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích hơn 550.000ha. Trong đó ĐBSCL có diện tích lớn nhất với 450.000ha, tuy nhiên việc sản xuất tại các vùng này cũng gặp khó khăn đó là thừa đầu vào, thiếu đầu ra.

Tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Công ty Đầu tư và Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup), Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn đạt thấp, sản lượng nông sản lớn nhưng khó khăn khi tiếp cận thị trường nước ngoài và trong nước. Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu vẫn là quy mô nông hộ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, và thiếu sự liên kết giữa nông dân với DN.

GS Trần Đức Viên - nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vai trò của kinh tế hộ gia đình đã đến lúc chấm dứt và liên kết là xu hướng bắt buộc. Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp với nông sản sạch thì không thể mãi tồn tại tình trạng “hàng chục triệu nông dân cùng tham gia bán hàng với xe thồ, quang gánh ngoài chợ”.

Giấc mơ “bao tiêu” đang hiện hữu

Trong bối cảnh liên kết lỏng lẻo ấy, “đại gia” Vingroup đã vào cuộc với cú hích liên kết 1.000 nông hộ cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng, không những bao tiêu đầu ra mà còn hỗ trợ nông dân đầu vào như giống, phân bón, kỹ thuật - đã và đang mở ra một hy vọng mới cho nông dân và người tiêu dùng.

Tham gia ký kết cung cấp thanh long ruột đỏ cho Công ty VinEco ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Hữu Triệu (phường 3, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) thông tin, gia đình ông có 13ha trồng thanh long ruột đỏ, gần như năm nào cũng xảy ra điệp khúc được mùa mất giá, bị thương lái ép giá. Nhưng từ khi ký kết với Công ty VinEco, không những giá bán cao hơn thương lái mà còn được hỗ trợ về kỹ thuật. “Nông dân chúng tôi không mong muốn gì hơn điều này. Rất mong có thêm nhiều DN cùng tham gia phân phối sản phẩm như VinEco để nông dân đỡ thiệt thòi trong chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn” - ông Triệu chia sẻ.

Cùng chung niềm vui được bao tiêu sản phẩm đầu ra, chị Đàm Thị Dịu - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Liên Anh (Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội) thông tin, hiện công ty đang có 33ha sản xuất rau ăn lá của nhiều nông hộ trên địa bàn. Công ty VinEco đã ký hợp đồng hỗ trợ đầu ra cho nông dân với giá thu mua hợp lý, sản lượng 3 tấn rau ăn lá các loại/ngày.

“Phía Công ty VinEco rất hỗ trợ luôn tìm cách tiêu thụ nông sản cho nông dân, làm bà con rất an tâm. Bên cạnh đó, hàng tuần phía công ty đều có đội kỹ thuật về vùng rau kiểm tra, hướng dẫn nông dân và công ty chúng tôi để làm sao quản lý tốt hơn việc sản xuất. Đặc biệt, hàng tháng VinEco đều có kinh phí hỗ trợ thêm cho nông dân, dù không nhiều nhưng là nguồn động viên bà con quyết tâm sản xuất nông sản an toàn” - chị Dịu bày tỏ.

Bà Vũ Tuyết Hằng - Tổng Giám đốc Công ty VinEco thông tin, sau 3 tháng phát động, 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty VinEco và con số này đang tăng lên từng ngày. 


Khi nông dân trở thành tỷ phú Khi nông dân trở thành tỷ phú Liên kết trồng lúa sinh học công nghệ cao Liên kết trồng lúa sinh học công nghệ…