Biện pháp bảo vệ và chăm sóc vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ
Vườn Mít Thái có đê bao an toàn
ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng có thế mạnh về kinh tế vườn, với nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực như huyện Châu Thành, Châu Thành A, Thị xã Ngã Bảy, …
Tuy trình độ canh tác cây ăn trái của bà con nông dân ngày càng cao, nhưng trước sự diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu từ đó bà con nông dân gặp không ít rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là trong mùa mưa lũ. Như lượng mưa kéo dài cùng với nước lũ dâng cao làm ngập úng nhiều vườn cây, làm cho rễ cây bị hư do thiếu oxy, ngộ độc,… Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm cho sức khỏe của cây suy giảm nghiêm trọng và chết hàng loạt.
Để hạn chế thất thoát, vườn cây ăn trái phát triển tốt bền vững, bà con nông dân cần lưu ý và áp dụng một số biện pháp sau:
- Gia cố lại hệ thống đê bao để ngăn nước lũ tràn vào, duy tu, sửa chữa cống đập. Đồng thời nạo vét kênh rạch, dọn sạch cỏ để khi cần thiết sẽ tiêu thoát nước dễ dàng.
- Nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây bị ngập úng, cần nhanh chóng bơm hết nước ra ngoài bờ bao, không cho vườn cây bị ngập úng kéo dài. Đào rãnh phụ sâu 40 cm để dẫn nước mưa thoát nhanh từ liếp ra mương. Đảm bảo mực nước ở mương phải thấp hơn mặt liếp tối thiểu là 0,6 m.
- Hạn chế làm cỏ hoặc có thể để cỏ trong vườn trong thời điểm này nhằm chủ động khi mưa nhiều đất không bị xói mòn, đóng váng. Đặc biệt, tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong mùa mưa vì rễ cỏ là máy bơm sinh học làm tầng đất sâu mau khô ráo, hạn chế bị đóng váng, đồng thời đưa oxy vào đất hỗ trợ rễ cây lấy được oxy dễ dàng khi vườn bị ngập úng.
- Không nên bón nhiều phân đạm trong mùa mưa vì sẽ dễ kích thích cây ra đọt non, và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡng, làm cho cây dễ bị suy yếu. Nên hạn chế bón phân hóa học trong giai đoạn này, nếu cấn thiết cỏ thể phun phân bón lá. Không nên bón phân hữu cơ, vì phân hữu cơ góp phần giử nước, làm tăng cường ẩm độ và làm cho các vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy. Trong khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không có đủ oxy để hô hấp.
- Nên cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng và thông thoáng hạn chế nấm bệnh hại tấn công. Hạn chế đi lại nhiều trong vườn trong mùa mưa vì có thể làm cho cây bị động gốc, rễ non bị đứt, nấm bệnh có điều kiện xâm nhập gây thối rễ và làm cho đất kết chặt lại.
- Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa là điều rất cần thiết. Vì vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng khi bị keo đất giữ chặt, hoá giải các độc tố trong đất, cung cấp Canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra nếu thấy có các bệnh trên chồi non, hoa và trái, cần tỉa cành cho vườn thông thoáng, phun thuốc gốc đồng, nếu có điều kiện nên bao trái. Nấm bệnh chủ yếu tấn công ở các chồi lá non, do đó nên dùng phân bón lá có đạm cao như Thioure sẽ giúp cây ra đọt đồng loạt, tập trung và sau đó sử dụng phân bón lá MKP(0-52-34) để phun nhằm làm cho lá mau thành thục hơn cũng là biện pháp làm hạn chế nấm bệnh. Đối với những loại cây mẫn cảm với ngập úng, quang hợp của cây sẽ giảm rất nhanh sau 2-3 ngày bị ngập. Vì vậy, có thể phun thêm dung dịch đường Gluco qua lá, nhằm cung cấp thêm năng lượng cho cây hoặc các chất có chứa Cytokynin để giúp cây tăng cường khả năng chống chịu với ngập úng.
Trên đây là một số biện pháp chủ động chăm sóc vườn cây ăn trái mùa mưa hoặc khi cây bị ngập úng cục bộ ngoài ý muốn. Nếu ở điều kiện canh tác bình thường, bà con nông dân phải thường xuyên chăm sóc vườn đúng theo quy trình kỹ thuật của từng chủng loại, để giúp cho cây trồng phát triển khỏe, có sức đề kháng cao nhằm cây cho năng suất và chất lượng nông sản tốt đáp ứng tình hình sản xuất an toàn bền vững trong điều kiện hiện nay
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ