Cây mía Biện pháp hiệu quả tiêu diệt bọ cánh cứng hại mía

Biện pháp hiệu quả tiêu diệt bọ cánh cứng hại mía

Tác giả Võ Văn Lương, ngày đăng 15/06/2021

Biện pháp hiệu quả tiêu diệt bọ cánh cứng hại mía

Ruộng mía bị ấu trùng các loài bọ cánh cứng gây hại, năng suất có thể giảm từ 13 - 54%, chữ đường giảm từ 11 - 57%.

Cán bộ kỹ thuật của NASU kiểm tra côn trùng vào bẫy đèn. Ảnh: NASU.

Bọ cánh cứng, kẻ phá hoại mía nguy hiểm

Các loài bọ cánh cứng hại mía chủ yếu gồm loài bọ hung đen, bọ hung nâu và xén tóc nâu lớn, thường phát sinh và gây hại mạnh ở vùng đất cát pha, đất bãi ven sông, đất có thành phần cơ giới nhẹ, hoặc trên các vùng chuyên canh, trồng mía nhiều năm, không được luân canh với các loại cây trồng khác.

Vòng đời của các loài bọ cánh cứng này kéo dài từ 365 - 720 ngày, trải qua 4 giai đoạn: Trứng, ấu trùng (sùng), nhộng và trường thành.

Những năm qua, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) đã nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tổng hợp nhằm quản lý các loài bọ cánh cứng hại mía hiệu quả tại các vùng mía nguyên liệu của công ty.

Đây là kết quả mà NASU đã nghiên cứu quy trình quản lý bọ cánh cứng hại mía tại nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...  để áp dụng trên vùng nguyên liệu mía của NASU.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn Phong, kỹ sư của NASU cho biết, ruộng mía bị ấu trùng các loài bọ cánh cứng gây hại, năng suất giảm từ 13 - 54%, chữ đường giảm từ 11 - 57%. Mía lưu gốc bị các loài bọ cánh cứng gây hại nặng hơn so với mía tơ.

Ấu trùng (sùng) nở ra từ trứng, sinh sống trong đất trung bình từ 240 - 480 ngày (ấu trùng loài xén tóc nâu lớn, dài hơn các loài bọ hung) trước khi chuyển sang giai đoạn nhộng và trưởng thành. Trong suốt chu kỳ phát triển, ấu trùng hoạt động ở dưới đất, tuổi 1 và tuổi 2 ngoài ăn hại rễ mía, còn ăn cả các chất hữu cơ, mùn mục, phân hữu cơ hoai mục hoặc bã mía.

Bẫy đèn khá đơn giản nhưng tiêu diệt hiệu quả bọ cánh cứng được áp dụng ở vùng nguyên liệu mía của NASU. Ảnh: NASU.

Từ cuối tuổi 2, ấu trùng chỉ ăn rễ và thân ngầm của cây mía. Ấu trùng tuổi 3 có thời gian phát dục kéo dài và phá hại nặng nhất cho cây mía, làm cho cây mía không phát triển được, bị héo, khô rồi chết, dẫn đến giảm năng suất mía và chữ đường. Thiệt hại càng về giai đoạn thu hoạch càng rõ.

Khi ấu trùng tuổi 3 đẫy sức, chúng bắt đầu làm tổ kén bằng đất và hóa nhộng nằm yên trong tổ kén. Nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khoảng 20 ngày, nhộng sẽ vũ hóa thành trưởng thành, phá vỡ tổ kén và chui lên mặt đất. Điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là độ ẩm đất quá thấp, nhiệt độ thấp, thời gian phát dục pha nhộng sẽ kéo dài thêm. Thời gian kéo dài thêm này gọi là thời kỳ ngủ đông, có thể kéo dài tới 4 tháng.

Biện pháp quản lý hiệu quả bọ cánh cứng

Theo nghiên cứu cũng như quy trình đã áp dụng hiệu quả tại NASU, phòng trừ ấu trùng các loài bọ cánh cứng bằng các biện pháp cày bừa kỹ đất trước khi trồng mía, nhặt ấu trùng và rải thuốc trừ sâu dạng hạt Patox 4GR, với lượng 40 kg/ha vào hàng khi trồng mía.

Bọ cánh cứng sa bẫy lưới. Ảnh: NASU.

Tuy nhiên, biện pháp rải thuốc sâu dạng hạt vào đất ngoài diệt ấu trùng, sẽ tiêu diệt các loại vi sinh vật, côn trùng có ích trong đất, ảnh hưởng đến môi trường đất.

Trưởng thành của các loài bọ cánh cứng hại mía này đều có xu hướng mạnh với ánh sáng đèn, vũ hóa bay ra giao phối từ tháng 3 đến tháng 5 năm năm, sau các trận mưa rào với lượng trên 20mm. Đây là thời điểm tốt nhất để tiêu diệt trưởng thành, hạn chế đẻ trứng, giảm tác hại sau này do ấu trùng gây ra.

Ông Hoàng Quốc Tiêm, hộ trồng mía lâu năm ở làng Dừa, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết, vụ xuân năm 2021, ngoài diệt ấu trùng khi trồng mía, NASU đã triển khai thêm biện pháp để tiêu diệt trưởng thành như sử dụng bẫy đèn, chăng lưới và làm bẫy trên đồng ruộng.

Bẫy đèn được thiết kế để có thể lắp bóng đèn từ điện lưới, đèn tích điện hoặc hệ thống điện năng lượng mặt trời. Bẫy được làm bằng cách tận dụng các thùng nhựa, bên trên thắp đèn, bên dưới đặt nước, bỏ thêm dầu diezel để không cho trưởng thành di chuyển ra khỏi bẫy.

Giữa bẫy đèn lắp đặt 2 tấm tôn kích thước 40 cm x 60cm, vuông góc với nhau. Khi trưởng thành các loài bọ cánh cứng bị hấp dẫn bởi ánh sáng, bay vào bẫy sẽ va đập vào tấm tôn và rớt xuống nước. Sau những đêm mưa đầu mùa hè, mỗi bẫy đèn bắt được 250 - 300 con trưởng thành bọ hung nâu, 40 - 50 con trưởng thành bọ hung đen và từ 20 - 30 con trưởng thành xén tóc nâu lớn và rất nhiều ngài trưởng thành của các loài sâu đục thân hại mía khác.

"Sản phẩm" thu được sau một đêm bẫy đèn gồm nhiều loài bọ cánh cứng và sâu đục thân khác nhau... Ảnh: NASU.

Ngoài ra, trên mặt ruộng được lắp đặt thêm lưới đánh cá, kích thước ô lưới 1cm x1 cm, bắt trưởng thành di chuyển hàng trăm con các loại sau mỗi đêm trời có mưa rào.

Trên ruộng mía, từ 50 - 100m đào các bẫy hố, có kích thước sâu 30 cm x dài 60 cm x rộng 60 cm, bên dưới bỏ phân chuồng và các phụ phẩm, là thức ăn ưa thích của trưởng thành, trộn với thuốc trừ sâu ít mùi là Goldra để khi trưởng thành vào ăn sẽ bị tiêu diệt.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, con cái của các loài bọ cánh cứng có thể đẻ trung bình từ 229 - 328 trứng, tỷ lệ nở từ trứng thành ấu trùng thấp nhất 70%. Với cách thức tiêu diệt trưởng thành từ bẫy đèn và chăng lưới trên ruộng, sẽ hạn chế được rất nhiều tác hại do ấu trùng gây đối với cây mía…

Ông Phan Văn Toản, Giám đốc Khuyến nông của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An cho biết với cách quản lý như trên, tỷ lệ gây hại của các loài bọ cánh cứng trên cả ruộng mía tơ và mía gốc đều giảm. Đây là tiền để để công ty mở rộng mô hình trên vùng nguyên liệu trong các năm tới nhằm ổn định vùng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.


Nâng cao năng suất mía và chữ đường ở ĐBSCL Nâng cao năng suất mía và chữ đường… Phòng trừ sùng trắng hại mía Phòng trừ sùng trắng hại mía