Biện pháp khắc phục hiện tượng sương muối gây hại trên cây cà phê
Những ngày gần đây, nhiệt độ tại Lâm Đồng xuống thấp, sương muối dày đặc bao phủ khiến 468 ha cây trồng bị cháy sạm, tỷ lệ hư hại trên 70% là 375,5 ha. Trong đó, diện tích cây cà phê bị thiệt hại là 434,32 ha, tập trung tại các xã Đạ Chais, Đạ Nhim, Đạ Sar của huyện Lạc Dương, chủ yếu gây hại nặng tại các vườn cà phê thiếu cây che bóng, chắn gió, ở vùng trũng, thấp.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn người dân biện pháp khắc phục hiện tượng sương muối gây hại trên cây cà phê như sau:
1. Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nhẹ đến trung bình
Tiến hành cắt bỏ ngay các bộ phận bị cháy (lá, hoa, quả, cành) càng sớm càng tốt, cắt sâu vào một đoạn 5 cm (không cần xử lý vôi), hoặc cưa đốn 1/3 – 1/2 thân (phần cắt không còn thấy mạch dẫn bị hóa nâu là được). Thu gom cành, lá và cỏ dại theo băng hạn chế xói mòn. Tưới nước và bón phân sớm để tạo cành mới và nuôi trái kịp thời.
2. Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nặng
- Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nặng, các cành lá đều khô cháy cần tiến hành cưa đốn phục hồi càng sớm càng tốt. Phương pháp cưa cách gốc từ 20 – 25 cm theo chiều từ trên xuống, nghiêng 1 góc 450, vết cắt phải phẳng mịn, cắt theo hướng Đông Tây, phần vát nghiêng từ hướng Đông sang Tây (bên phía Tây vết cắt cao hơn phía Đông) để ánh nắng buổi chiều không chiếu vào vết cắt làm khô cây. Khi cắt cây xong dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, rồi thu gom cành, lá và cỏ dại tủ gốc. Tưới nước và bón phân kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là phân hữu cơ (10 – 20 kg/gốc), phân vi sinh để cây ra chồi vượt mới. Sau đó tiến hành nuôi mỗi gốc từ 3 - 4 chồi to khỏe, phân bố đều quanh thân. Khi chồi cao 20 - 30cm thì tiếp tục tỉa định chồi, giữ lại 1 - 2 chồi tạo thân mới.
- Kết hợp trồng xen các loại cây họ đậu, bắp,... trên vườn cưa ghép cải tạo và tái canh; cần trồng bổ sung các loại cây che bóng như bơ, mắc ca, muồng…
- Cần chú ý theo dõi phòng trừ một số đối tượng dịch hại như rệp sáp, rệp vảy, bọ xít muỗi, bệnh gỉ sắt,…
3. Đối với cây cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh nhưng bị hại nặng, khả năng hồi phục kém hoặc không có khả năng phục hồi
- Tiến hành phá bỏ và trồng lại ngay trong tháng 5 đến tháng 6 năm 2020 hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác (cây ăn trái, rau màu, cây lương thực) nếu điều kiện canh tác phù hợp.
- Trong thời gian tái canh, trồng xen các loại cây đậu đỗ, bắp, khoai môn, hồng vào giữa hàng cà phê để tăng thu nhập.
* Công tác chuẩn bị đất, cây giống trước khi trồng lại:
- Tiến hành phá bỏ cây cà phê bị chết, thu gom tàn dư xếp thành băng để hạn chế xói mòn, đào hố với kích thước hố 40 cm x 40 cm x 50 cm và tiến hành trồng ngay sau khi có mưa đều (tháng 5 – 7).
- Ủ trộn phân: Sau đào hố khoảng 1 tháng, sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục + phân lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố, lấp đến đâu dùng chân nén chặt đến đấy. Hỗn hợp đất + phân thấp hơn miệng hố khoảng 10 – 15 cm. Liều lượng phân cho 1 hố: 10 – 20 kg phân chuồng + 0,2 kg lân nung chảy, nếu không đủ phân chuồng thì dùng phân hữu cơ vi sinh thay thế với lượng 2 – 3 kg.
- Mật độ trồng: 5.000 cây/ha, khoảng cách 1m x 2m.
- Cây giống: Cây giống phải được mua tại các cơ sở sản xuất, gieo ươm, đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống trước khi xuất vườn và đảm bảo chất lượng, sạch sâu bệnh hại. Tuổi cây 6 - 8 tháng, chiều cao cây 20 - 25cm, đường kính cổ rễ > 4mm, số cặp lá thật > 5, cây phát triển bình thường, không bị sâu bệnh, không bị dị hình và được huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn từ 10 - 15 ngày trước khi trồng.
- Thời vụ trồng: Bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa, kết thúc trồng trước khi vào mùa khô 1 - 2 tháng. Trồng tốt nhất từ tháng 5 - 6, muộn nhất trước 15/8 hàng năm.
- Bón phân
+ Phân hữu cơ: Cà phê là loại cây lâu năm có bộ rễ khoẻ, lan rộng, yêu cầu nhiều phân bón, mức bón tối thiểu như sau:
Năm trồng mới: 10 – 20 kg/hố (bón lót)
Thời kỳ kinh doanh: 15 – 20 kg/cây, định kỳ 3 năm bón 1 lần. Đào rãnh theo chiều rộng của tán, kích thước sâu 0,3 – 0,4 m, rộng 0,3 m, dài 1 – 1,5 m. Bón vào rãnh cùng phân lân rồi lấp đất.
+ Phân hoá học: Để xác định chế độ bón phân cân đối và hợp lý cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, lá có thể áp dụng định lượng phân bón sau:
Lượng phân bón (tính cho mật độ bình quân 5.000 cây/ha):
Tuổi cà phê | Loại phân | Lượng bón (kg/ha) | Thời điểm bón | |||
Tháng 2 - 3 | Tháng 4 - 5 | Tháng 6 - 7 | Tháng 9 – 10 | |||
Năm 1 (trồng mới) | Urê | 100 | - | 30 | 40 | 30 |
Lân Super | 1.000 | - | 1.000 | |||
KCl | 50 | 15 | 20 | 15 | ||
Năm 2 | Urê | 200 | 40 | 60 | 60 | 40 |
Lân Super | 500 | 500 | ||||
KCl | 100 | 20 | 30 | 30 | 20 | |
Năm 3 | Urê | 400 | 80 | 120 | 120 | 80 |
Lân Super | 500 | 500 | - | - | - | |
KCl | 300 | 60 | 90 | 90 | 60 | |
Kinh doanh (chu kỳ 1) | Urê | 600 | 120 | 180 | 180 | 120 |
Lân Super | 600 | 600 | ||||
KCl | 500 | 100 | 150 | 150 | 100 | |
Cưa đốn phục hồi | Urê | 300 | 60 | 90 | 90 | 60 |
Lân Super | 1.000 | 1.000 | - | - | - | |
KCl | 200 | 40 | 60 | 60 | 40 | |
Kinh doanh (chu kỳ 2) | Urê | 600 | 120 | 180 | 180 | 120 |
Lân Super | 600 | 600 | ||||
KCl | 500 | 100 | 150 | 150 | 100 |
- Cách trồng: Đất trong hố trồng cà phê cần đảo trộn đều, dùng cuốc móc 1 lỗ nhỏ giữa hố. Dùng dao rạch và bóc bầu ni-lông, cắt xén đáy bầu, nhẹ nhàng đặt cây vào giữa hố, điều chỉnh cây đứng thẳng, lấp đất, nén chặt, mặt bầu cách mặt đất 10 – 15 cm. Mỗi hố trồng 1 cây. Nếu cây cà phê có rễ dưới đáy bị xoắn cần tiến hành cắt bỏ phần xoắn.
- Làm bồn: Tiến hành đào bồn chung quanh gốc cây cà phê để hạn chế xói mòn rửa trôi trong mùa mưa và chứa nước tưới trong mùa khô. Công việc đào bồn phải được tiến hành trước mùa khô từ 1 - 2 tháng. Trong năm đầu, bồn được đào theo hình vuông với kích thước rộng 0,6 m, sâu từ 0,15 - 0,2m, các năm sau bồn được mở rộng theo tán cây cho đến khi bồn đạt được kích thước ổn định: rộng 1 - 1,5m và sâu từ 0,15 - 0,2m. Khi vét đất tạo bồn cần hạn chế tối đa gây thương tổn cho rễ cà phê.
- Tủ gốc: Khi làm bồn xong, dùng rơm, rạ, cỏ tủ gốc, có thể tủ quanh gốc hoặc tủ theo băng với độ dày từ 10 – 20 cm, tủ cách xa gốc khoảng 5 – 10 cm để tránh mối làm hại cây.
- Trồng cây chắn gió: Các vườn các phê trên các sườn đồi hướng Đông Bắc cần trồng cây chắn gió. Đai rừng chắn gió thẳng góc so với hướng gió chính (Đông Bắc); trồng hai hàng cây muồng đen, hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 2 m.
- Trồng xen cây che bóng: Trong vườn cà phê cần trồng xen các loại cây vừa che bóng vừa tăng thu nhập; phải bón phân đầy đủ và tỉa cành ngang, tạo hình thích hợp theo từng loại cây
- Trồng xen cây họ đậu: Vườn cà phê chè 03 năm đầu, cây chưa giao tán nên trồng xen cây họ đậu, bắp, muồng hoa vàng, … giữa hai hàng cà phê để tăng thêm thu nhập, bảo vệ, cải tạo đất và cung cấp sinh khối hữu cơ chất lượng cao cho cây.
- Cần chú ý theo dõi phòng trừ một số đối tượng dịch hại như rệp sáp, rệp vảy, bọ xít muỗi, bệnh gỉ sắt, …
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ