Biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô, lúa vụ Đông Xuân
Bệnh lùn sọc đen hại lúa, ngô là bệnh do virus gây ra, có khả năng gây mất trắng trên diện tích lớn. Bệnh bắt đầu gây hại nặng từ vụ mùa năm 2017 đến nay tại nhiều tỉnh phía Bắc mà không có thuốc phòng trừ.
Vì vậy để hạn chế tối đa ảnh hưởng của bệnh, bảo vệ tốt năng suất lúa, ngô vụ Đông Xuân, người nông dân cần thiết có những hiểu biết chung về bệnh và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật phòng trừ kịp thời ngay từ đầu vụ.
1. Triệu chứng gây hại
a. Trên lúa
Đặc điểm chung là ban đầu rễ của cây bị bệnh vẫn phát triển bình thường, về sau rễ kém phát triển dần, ngắn và sau đó chết.
Biểu hiện triệu chứng điển hình được xác định ít nhất 2 tuần sau khi rầy mang virus chích vào cây lúa khỏe.
Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Triệu chứng gây hại trên lá lúa.
Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Khi bị bệnh nặng, cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ không thoát và hạt thường bị đen. Ở giai đoạn trỗ bông, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các dảnh trên cùng một khóm, hoặc chỉ ở một số dảnh, các dảnh khác vẫn phát triển bình thường
b. Trên ngô
Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là thấp, lùn, lá ngọn xoăn, mép lá rách hình V ngược, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày và giòn hơn, một số cây gốc xuất hiện chồi phụ. Từ giai đoạn 5-7 lá, cây bị bệnh có u sáp sần sùi trên đốt thân, dọc gân lá ở mặt sau lá, bộ lá xếp xít nhau.
Cây bị bệnh nặng không cho ra bắp hoặc có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ.
Triệu chứng gây hại trên ngô
2. Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa, ngô là virus lùn sọc đen phương Nam, môi giới truyền bệnh là rầy nâu nhỏ, rầy lưng trắng.
3. Cơ chế lan truyền bệnh
Bệnh không truyền qua hạt giống, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh với cây khỏe.
Bệnh truyền từ cây này sang cây khác qua côn trùng môi giới là rầy lưng trắng và vầy râu nhỏ. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.
Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh đến khi chết. Virus không truyền qua trứng rầy, do vậy rầy non nở ra từ các trứng này cũng không mang mầm bệnh.
Rầy nâu nhỏ sau khi bị nhiễm virus có thể truyền bệnh đến khi chết. Virus lan truyền qua trứng rầy, do vậy rầy non nở ra trừ các trứng này vẫn mang mầm bệnh.
4. Nguồn bệnh trên đồng ruộng
Ngoài cây lúa, cây ngô, bệnh lùn sọc đen còn gây hại trên cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng.....
Rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ mang virus có thể sống qua Đông, virus vẫn tồn tại trong cơ thể rầy và di chuyển rất xa theo gió, bão gây bệnh cho lúa, ngô và một số cây trồng khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo.
5. Biện pháp phòng trừ
a. Trên lúa
- Cày bừa sớm toàn bộ diện tích đất đã gieo cấy lúa vụ mùa, không cho lúa chét tái sinh, dọn sạch tàn dư, ký chủ phụ để hạn chế nguồn bệnh.
- Xử lý hạt giống lúa trước khi ngâm ủ bằng một trong các loại thuốc như Cruiser Plus 312.5FS, Pre-pat 412.5FS, Sunato 540FS, Regent 5SC, Lugens 200FS…; Xử lý theo hướng dẫn trên bao bì.
- Thực hiện gieo mạ tập trung, che phủ 100% bằng nilon, vừa chủ động phòng chống rét, vừa hạn chế rầy xâm nhập, lây bệnh.
- Khi trên ruộng mạ bị bệnh có phát sinh rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ cần tiến hành phun thuốc trừ rầy bằng một trong các loại thuốc tiếp xúc như: Nibas 50EC, Bonus-gold 500EC, Mopride 20WP, Bassa 50EC, Padan 25SP, Virtako 1.5GR, Mofitox…; phun theo hướng dẫn trên bao bì.
Ruộng mạ bị bệnh nặng cần tiêu hủy cả ruộng. Gieo bổ sung mạ hoặc gieo sạ nếu thời vụ cho phép.
- Giai đoạn sau khi cấy: Cần thường xuyên kiểm tra ruộng (1 tuần 1 lần); nhổ và vùi cây lúa, khóm lúa bị bệnh.
- Khi có rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ trên ruộng bị bệnh:
+ Giai đoạn đẻ nhánh - ôm đòng, sử dụng một trong các thuốc nội hấp trừ rầy như: Cheesta 50WP, Midan 10WP, Amira 25WG, Actara 25WG, Chess 50WG, Patox 4G, 95SP…; phun theo hướng dẫn trên bao bì.
+ Giai đoạn trỗ - chín sữa, sử dụng một trong các thuốc tiếp xúc trừ rầy như: Nibas 50EC, Bonus-gold 500EC, Mopride 20WP, Bassa 50EC, Padan 25SP, Virtako 1.5GR, Mofitox 40EC… Khi phun phải rẽ lúa, lùa vòi phun xuống dưới đảm bảo để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy.
- Chỉ thực hiện tiêu hủy cả ruộng khi ruộng lúa bị bệnh nặng, khó có khả năng phục hồi. Trước khi tiêu hủy, phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy bằng biện pháp cày vùi cả ruộng. Nếu chuyển sang trồng cây trồng khác thì không trồng ngô.
b. Trên ngô
Tập trung chăm sóc theo đúng quy trình thâm canh để cây ngô sinh trưởng phát triển khỏe, tăng cường sức đề kháng cho ngô.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời bệnh lùn sọc đen gây hại, tiến hành nhổ, thu gom, tiêu hủy những cây bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng.
Nếu xuất hiện rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ trên ruộng, tiến hành phun thuốc trừ rầy trên ruộng bị bệnh và các ruộng xung quanh bằng một trong các thuốc: Virtako 40WG, Sairifos 585EC, Alika247ZC hay các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký trừ đối tượng này. Phun theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
Những diện tích ngô bị nặng, không còn khả năng cho năng suất cần tiến hành tiêu hủy cả ruộng bằng cách nhổ bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ