Biến Phế Phẩm Của Cây Thanh Long Thành Phân Hữu Cơ Sinh Học
Lâu nay, nông dân trồng thanh long VietGAP đang gặp khó trong các khâu đảm bảo vệ sinh môi trường. Một trong những nguyên do là sau khi cắt tỉa cành, phế phẩm từ cây thanh long không có chỗ tiêu hủy. Tìm biện pháp để “biến” các loại phế phẩm đó trở thành phân hữu cơ sinh học, đang là sự quan tâm của không ít nông dân trong tỉnh Bình Thuận.
Mấy năm gần đây, Bình Thuận nỗ lực triển khai các biện pháp để khuyến khích nông dân trồng thanh long thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong số hơn 13.000 ha thanh long hiện có ở tỉnh Bình Thuận, hàng ngày thải ra một lượng lớn các phế phẩm như cành, bông lép, trái thối...
Nhiều hộ dân đã dùng biện pháp tủ dưới gốc thanh long, hoặc đổ đống ngay tại vườn, gây hôi thối. Điều này vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa không đảm bảo đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mới đây, tại xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc), hàng chục nông dân, thuộc tổ hợp tác sản xuất thanh long Hàm Liêm 1 đã cùng hội tụ đông đủ để tham dự buổi gặp mặt, bàn về cách sản xuất phân hữu cơ sinh học từ cây thanh long.
Đây là đề tài khá mới, có ý nghĩa, nên đã thu hút sự quan tâm của hầu hết các hộ nông dân trong vùng. Tại buổi gặp mặt, Công ty TNHH Gia Tường (chi nhánh tại Bình Dương), một đơn vị chuyên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và môi trường, sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thú y... đã giới thiệu cho bà con cách chế biến các phế phẩm từ nông nghiệp trở thành phân hữu cơ sinh học.
Anh Nguyễn Như Nhứt - Giám đốc chi nhánh công ty cho biết: Cành thanh long sau khi tỉa, bà con có thể chặt khúc ngắn từ 3 - 5 cm. Sau đó trộn với loại chế phẩm Biofert UPC hoặc Biofert M (3 lít/tấn), giữ độ ẩm 50 - 55% rồi ủ đống 3 - 4 ngày, đảo trộn đều và ủ tiếp từ 5 - 7 ngày là có thể sử dụng để bón cây. Khác cách ủ phân hữu cơ truyền thống, với quy trình này, người dân có thể ủ hoai nhanh phân chuồng, phân xanh ở quy mô hộ gia đình, khử mùi hôi của phân, ức chế vi sinh vật gây bệnh cho người, động vật và cây trồng.
Lợi thế của phương pháp này là tận dụng được nhiều phế, phụ liệu trong nông nghiệp như vỏ trấu, lúa lép, vỏ hạt điều, rơm rạ... để chế biến thành phân hữu cơ sinh học, giúp đất trồng màu mỡ và không gây hại đến môi trường sống.
Còn theo kinh nghiệm của kỹ sư Trần Minh Tân - Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV tỉnh, để tiết kiệm công vận chuyển cành thanh long đến nơi tập trung, bà con có thể thử nghiệm ủ phân ngay dưới gốc thanh long. Nhưng để đạt hiệu quả, cần chặt nhỏ thân cây thanh long, kết hợp với phân chuồng tươi cho vào gốc, sau đó phun chế phẩm thuốc Biofert UPC hoặc Biofert M; giữ độ ẩm trong quá trình ủ bằng cách phủ bạt kín...
Đối với các hộ dân, sau khi được Công ty TNHH Gia Tường và cán bộ kỹ thuật giới thiệu về các loại chế phẩm sinh học, đồng thời trực tiếp thử nghiệm phương pháp sản xuất phân hữu cơ sinh học ngay tại vườn thanh long ở một vài hộ dân, bà con rất tin tưởng.
Ông Phạm Hữu Trường - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Hàm Liêm 1 bày tỏ: “Chúng tôi rất phấn khởi, khi được tiếp cận với phương pháp “biến” phế phẩm cây thanh long trở thành phân bón hữu cơ sinh học. Nếu biện pháp này được ứng dụng rộng rãi, nông dân sẽ giảm bớt chi phí đầu tư phân bón đáng kể, vừa giải quyết được lượng rác thải xả ra hàng ngày từ vườn cây thanh long”.
Được biết: Hiện nay giá thành sản phẩm của chế phẩm sinh học Biofert UPC được bán với giá 35.000 đ/lít (ủ được khoảng 300 kg phế phẩm), Biofert Mx là 28.000 đ/kg và Biofert M 50.000 đ/kg. Do đó, có thể đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với túi tiền nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ