Biến ruộng trũng thành trang trại tổng hợp, thu nửa tỷ đồng/năm
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau hơn 10 năm sản xuất theo cách lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng anh Hương đã chuyển đổi được gần 1ha ruộng trũng thành trang trại VAC trù phú, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Trại lợn của anh Hương
Trở lại thăm xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, Hưng Yên, chúng tôi đã rất ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu ở đây. Xứ đồng Trạo Thôn quanh năm úng trũng khi xưa, nay đã trở thành những nông trại trù phú, luôn có cá thả đầy ao, lợn nuôi kín chuồng, cây trái sum xuê, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trang trại VAC của gia đình anh Trần Văn Hương là một trong số đó.
Nhớ lại nguyên nhân dẫn đến quyết định xây dựng trang trại của mình, anh Hương cho biết: Vợ chồng anh có gần 4.000m2 ruộng khoán ở xứ đồng Trạo Thôn, nhưng cứ mỗi lần mưa to là nước ngập tràn bờ, lúa cấy bấp bênh, sản xuất không có lãi. Sau khi suy đi tính lại nhiều lần, anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa của gia đình sang làm trang trại VAC.
Để sớm có thu nhập cho ổn định cuộc sống gia đình và tái đầu tư mở rộng sản xuất, anh Hương đã đào trước 1.800m2 ao nuôi thả cá, và dựng lều trại tạm cho nuôi ngan vịt. Số tiền dư ra sau mỗi vụ thu hoạch cá và chăn nuôi ngan vịt, anh Hương tiếp tục ưu tiên cho xây dựng chuồng trại, để chuyển đổi đàn vật nuôi thuỷ cầm sang chuyên nuôi lợn và từng bước thuê nhượng lại ruộng cấy của các hộ dân liền kề, cải tạo thành vườn trồng cây ăn quả đặc sản.
Kết quả sau hơn 10 năm cần mẫn sản xuất theo cách lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng anh Hương đã tích được gần 1ha ruộng trũng, chuyển sang trang trại VAC trù phú.
Qua quá trình phát triển sản xuất của anh Hương đã cho thấy: Kinh tế VAC cho thu nhập rất bền vững. Đơn cử như năm 2017, nếu không có vườn quả, ao cá “cắt lỗ” cho đàn lợn nuôi gần 100 con, thì kinh tế gia đình anh Hương sẽ bị suy sụp.
Các loại quả từ cây trồng trong trang trại VAC luôn có chất lượng ngon và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hơn so với các sản phẩm cùng loại gieo trồng bên ngoài. Bởi cây trồng trong trang trại luôn có nhiều nguồn phân hữu cơ từ hầm biogas chăn nuôi và bùn hẩu từ vét đáy ao cuối năm thu hoạch cá, nên rất ít phải đầu tư phân bón hoá học.
Mặt khác, để tránh ảnh hưởng đến đàn vật nuôi trong trang trại, gia chủ sẽ không dám lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, mà ưu tiên đối đa sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoặc thuốc có nguồn gốc sinh học. Nhờ vậy, các loại quả trong trang trại luôn được thương lái mua gom với giá cao hơn 20% so với quả cùng loại trồng thuần từ nhà vườn khác.
Ảnh: Hải Tiến
Ngoài ra, để gia tăng giá trị thu nhập cho trang trại, anh Hương chỉ tuyển chọn nuôi trồng các giống cây, con đặc sản. Như với ao, chủ yếu nuôi thả giống cá trắm cỏ, vừa có được giá trị kinh tế cao, vừa tận dụng được lượng cỏ cắt dọn từ vườn cây cho cá ăn. Với vườn cây, anh cơ bản chỉ trồng giống nhãn đường phèn và nhãn lồng.
Nhãn đường phèn được coi là đặc sản quí hiếm. Giống có đặc điểm nổi bật là cành non có màu tím, có 10 - 12 lá đơn/1 lá kép, quả chín sớm, đều quả, cùi dày, bóc ráo tay, hương thơm, vị ngọt sắc, hạt rất nhỏ (chỉ bằng hạt ngô hoặc hạt đậu nành), sắc hạt màu nâu, nhãn quả luôn bán được giá cao gấp 3 - 5 lần so với giống nhãn khác.
Trong chăn nuôi lợn, anh Hương cũng chỉ chọn nuôi 2 giống Duroc (có nguồn gốc từ Mỹ) và Landrace (nguồn gốc Anh, Đan Mạch). Lợn Duroc thường được gọi là heo bò vì toàn thân mang màu nâu da bò, là giống tốt nhất thế giới hiện nay, khả năng thích ứng cao, nuôi tiêu tốn ít thức ăn, lợn 6 - 7 tháng tuổi đạt trọng lượng 95 - 100kg, chất lượng thịt tốt, ít mỡ, tỷ lệ nạc cao (51 - 52%). Để luôn có được nguồn giống tốt, giá thành hạ, gia đình anh Hương đã đầu tư nuôi thêm một số lợn nái mẹ Duroc và Landrace.
Bộc bạch với chúng tôi, anh Hương nhìn nhận: “Nếu vợ chồng anh cứ theo đuổi cây lúa, không mạnh dạn chuyển sang làm kinh tế VAC, thì gia đình sẽ chẳng bao giờ khá lên được”.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vợ chồng anh đã có thu 350 triệu đồng từ xuất bán lợn thịt và thu hoạch nhãn trên vườn. Dự kiến tới hết năm sẽ còn thu thêm được trên 200 triệu đồng từ ao cá và trại lợn.
Biết gia đình anh Hương chuyển đổi ruộng trũng sang làm trang trại VAC đạt hiệu quả cao, nhiều hộ dân ở địa phương cũng học hỏi và làm theo thành công.
"Để trang trại VAC cho thu nhập bền vững, các nhà nông nên qui hoạch diện tích vườn/ao/chuồng theo tỷ lệ 6/3/1", anh Hương chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ