Tin nông nghiệp Biến vùng đồi núi trọc thành trang trại vàng

Biến vùng đồi núi trọc thành trang trại vàng

Tác giả Nguyễn Duyên, ngày đăng 23/11/2016

Biến vùng đồi núi trọc thành trang trại vàng

Từ bỏ cuộc sống nơi phố thị, ông Phạm Quang Hùng chọn đến vùng đất khô cằn sỏi đá và thiếu thốn đủ bề tại xóm 2, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để làm trang trại tổng hợp. Với bàn tay và ý chí quyết tâm, ông đã biến một vùng đồi núi hoang hóa thành một trang trại tổng hợp cho thu nhập tiền tỷ, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Biến đồi hoang thành trang trại tổng hợp

Nhìn những đồi cam sai trĩu quả, những đồi cây nguyên liệu xanh ngút ngàn bay giờ, ít ai biết trước đó vùng này là đồi núi trọc. Ông Phạm Quang Hùng đã bỏ cuộc sống đủ đầy ở trung tâm thị trấn Hương Khê vào đây sinh sống, sản xuất và làm được những điều mà trước đây nhiều người đã phải bỏ cuộc.

Trong ảnh: Những cây cam trĩu quả của trang trại tổng hợp ông Phạm Quang Hùng ở xóm 2, xã Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Duyên

Trang trại của ông Hùng là một trong những mô hình trang trại có hiệu quả và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thể nhân rộng điển hình trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh”. Ông Lê Quang Vinh - Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê 

Năm 2004, ông Hùng được giao quản lý hơn 60ha đất đồi trước đây trồng thông nhưng kém hiệu quả. Cũng từ đây ông bắt tay vào cải tạo, quy hoạch đầu tư để làm trang trại tổng hợp. Ông Hùng chia sẻ: Khi được bàn giao đất, thật sự tôi rất bỡ ngỡ bởi chưa biết đầu tư phát triển cây, con gì cho có hiệu quả kinh tế. Bởi vùng đất này trước đây phát triển cây thông nhưng không có hiệu quả, sau đó vùng đất này lại được giao cho các hộ dân nhưng một thời gian dài họ vẫn không làm được gì.

Nhưng ý nghĩ trước mắt là phải nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc nên tôi bắt đầu từ cây keo nguyên liệu, với phương châm hoàn thiện dần mô hình để phát huy tối đa tiềm năng điều kiện khí hậu đất đai. Cũng may tôi được sự hỗ trợ các cơ chế chính sách từ xã đến tỉnh cũng như kỹ thuật của các nhà chuyên môn, cùng sự  nỗ lực của bản thân nên mới có được quy mô trang trại như ngày nay.

Sau khi nhận đất với quyết tâm nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc ông Hùng tiến hành trồng hơn 50ha cây keo nguyên liệu. Ngoài ra ông còn trồng hơn 9,5ha cây trầm hương (đến nay đã được 11 năm tuổi hứa hẹn cho thu nhập đáng kể). Đến năm 2015 số keo nguyên liệu trên đã cho thu hoạch hơn 2,5 tỷ đồng. Hằng năm sau khi thu hoạch xong ông lại tổ chức trồng mới, tạo nên vòng.

Năm 2009 ông Hùng trồng 3.500 gốc cam bù và đến năm 2014 đã cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, sang năm 2015 số cam bù này đã cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng 1.500 cây cam chanh, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Bước sang năm 2016 ông Hùng tiếp tục mở rộng quy mô trồng thêm 2.000 gốc bưởi Phúc Trạch và 1.000 gốc cam Xã Đoài; chăn nuôi thêm 40 con hươu và 30 con lợn rừng, nuôi nhím, vịt trời và nuôi cá để tăng thêm thu nhập.

Chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dễ làm trước khó làm sau, ông Hùng đã trồng cây keo trước, trồng cây ăn quả sau và kết hợp chăn nuôi tạo mô hình kinh tế vườn - ao -chuồng - rừng bền vững (VACR). Đặc biệt nhờ các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế từ xây dựng nông thôn mới nên ông rất chú trọng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để chống chọi với thiên nhiên, với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu như nắng hạn kéo dài và gay gắt, rồi gió Lào khô nóng, lũ lụt... Ông đã đưa vào trồng các loại cây bản địa có khả năng chống chịu cao và có hiệu quả kinh tế như bưởi Phúc Trạch, cam chanh. Đặc biệt ông đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Tân Nông Thịnh (Lâm Đồng) để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, sử dụng các loại phân bón phù hợp với điều kiện đất đai và các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này, hiệu quả kinh tế lớn hơn trước rất nhiều, vừa giảm được sức lao động, vừa tiết kiệm nước và cây hấp thụ được tối đa lượng nước tưới. Biện pháp này giúp tăng sản lượng cây trồng, chất lượng sản phẩm cũng được tăng lên. Những cây cam của trang trại trước đây quả không được đều màu và tròn quả, nhưng hiện nay quả cam rất sáng màu và quả cũng tròn đều hơn, ăn ngọt hơn.

Trang trại của ông Hùng tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động mang tính thời vụ.

Tháng 9.2016 ông Phạm Quang Hùng là một trong hai nông dân tiêu biểu của Hà Tĩnh được mời dự và phát biểu tham luận tại diễn đàn giải pháp phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại TP.Huế.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy đánh giá: Trang trại tổng hợp của ông Hùng là  mô hình mang lại hiệu quả cao trên địa bàn xã hiện nay, vừa phát huy được lợi thế của vùng đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thời gian qua có rất nhiều đoàn đến tham quan, học tập mô hình này. 


Trồng dưa lê thơm, cải thiện cuộc sống Trồng dưa lê thơm, cải thiện cuộc sống Trứng cút đóng lon... sang Nhật Trứng cút đóng lon... sang Nhật