Bình Định: Nuôi nhím cho hiệu quả kinh tế cao, ít dịch bệnh
Đó là lời khẳng định của anh Trần Văn Hải, chủ trang trại nuôi nhím tại thôn Bửu Chánh xã Phước Hưng, Tuy Phước. Vốn là một chủ trang trại chăn nuôi heo (lợn), chuồng trại đầu tư khá bài bản với diện tích hơn 1.270 m2 trong tổng diện trang trại là 5.000 m2.
Tuy nhiên những năm gần đây, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá cả thức ăn tăng cao, dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều chủ trang trại không còn mặn mà vì chăn nuôi không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Quyết tâm thay đổi hướng đi trong sản xuất để thu được hiệu quả kinh tế cao hơn, anh đã tìm tòi, học hỏi để nắm bắt kỹ thuật nuôi nhím. Khác với nhiều hộ, khi nuôi nhím chỉ trú trọng bán giống, anh Hải đặt mục tiêu bán nhím thương phẩm. Để chủ động đầu ra, qua bạn bè giới thiệu anh đã liên hệ và tìm được nơi tiêu thụ ổn định ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2009, anh bắt đầu nuôi nhím từ 2 cặp nhím giống bố mẹ ban đầu và đã thành công.
Từ thành công bước đầu, anh đã mạnh dạn cải tạo một phần chuồng trại nuôi heo sẵn có làm chuồng nuôi nhím. Sau gần 3 năm đàn nhím của anh lúc cao điểm lên tới 50 cặp và hiện có số lượng ổn định là 40 cặp nhím bố mẹ. Theo anh Hải, nhím dễ chăm sóc nên không tốn nhiều công lao động. Nhím lại hầu như không bị dịch bệnh nên người nuôi không phải lo lắng nhiều. Với nguồn thức ăn là rau, củ, quả khá sẵn và rẻ, theo tính toán của anh mỗi ngày chi phí thức ăn cho 1 con nhím khoảng 1.000 đồng; chi phí cho 1 kg tăng trọng của nhím khoảng 30.000-35.000 đồng. Nhím con từ khi sinh đến 10 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân 9-10 kg có thể xuất bán. Theo giá thời điểm hiện nay là 320.000 đồng/kg, trung bình anh bán được 3-3,2 triệu đồng/con, trừ chi phí nuôi khoảng 500.000 đồng, mỗi con thu lãi 2,5- 2,7 triệu.
Anh Hải trao đổi với chúng tôi: Hiện nay, nuôi nhím mới bước đầu phát triển ở tỉnh Bình Định nên nhu cầu về nhím giống còn khá lớn. Giá nhím giống hiện tại khoảng từ 12-15 triệu đồng/cặp nhím bố mẹ với trọng lượng từ 3-4 kg/con. Tuy nhiên nếu nuôi đúng kỹ thuật chỉ cần 1 nhím đực có thể phối cặp với từ 2 đến 4 nhím cái vẫn cho sinh sản tốt. Còn về lâu dài phải xác định nuôi nhím thịt là chính và phải có đầu ra ổn định thì hiệu quả mới bền vững, trong quá trình nuôi, anh chỉ lựa chọn nhím con nhím khỏe mạnh để làm giống khi có đặt hàng, còn lại đưa vào nuôi thúc để cung cấp nhím thịt cho thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh.
Với đàn nhím 40 cặp bố mẹ, mỗi cặp đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 2 con, mỗi năm anh có hơn 150 con nhím để bán; không kể bán giống, chỉ bán nhím thịt mỗi năm sau khi trừ chi phí anh thu lãi hơn 320 triệu đồng. Ngoài nuôi nhím anh Hải vẫn tiếp tục duy trì đàn heo với 10 heo nái, heo con giống sinh ra anh giữ lại để nuôi chứ không bán ra ngoài vì vậy trong trại của anh luôn có từ 80- 100 heo thịt; mỗi tháng anh cho xuất bán từ 20- 30 con với sản lượng 2-3 tấn thu lãi hàng chục triệu đồng/tháng. Từ thành công bước đầu này anh Hải đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô và tăng số lượng đàn nhím để đáp ứng nhu cầu tiêu thu của thương lái; đồng thời Anh Hải cho biết: sẽ sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn giúp đỡ các hộ nuôi nhím về con giống, kỹ thuật nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm nhím nuôi được. Bà con nông dân có nhu cầu xin hãy liên hệ Trang trại Trần Văn Hải-thôn Bửu Chánh xã Phước Hưng-Tuy Phước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ