Tin nông nghiệp Bình Định quản lý chặt chất lượng cây giống lâm nghiệp

Bình Định quản lý chặt chất lượng cây giống lâm nghiệp

Tác giả Đình Chung - Kim Thâu - Ngọc Thăng, ngày đăng 14/08/2017

Bình Định quản lý chặt chất lượng cây giống lâm nghiệp

Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp (CGLN), Bình Định đã áp dụng những biện pháp quản lý chặt.

Cơ sở SX CGLN “mọc” rộ trên địa bàn Bình Định như “nấm gặp mưa”

Bình Định được đánh giá là tỉnh dẫn đầu phong trào trồng rừng SX ở miền Trung. Đi theo đó, tỉnh này còn được mệnh danh là “vựa cây giống lâm nghiệp” của cả khu vực với hàng trăm cơ sở SX cây giống. Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp (CGLN), Bình Định đã áp dụng những biện pháp quản lý chặt.  

Vẫn còn nhiều cơ sở... chui

Chỉ riêng ở Bình Định, mỗi năm tỉnh này trồng mới và trồng rừng sau khai thác với diện tích khoảng 10.000 ha, cần đến 20 triệu cây giống lâm nghiệp, chủ yếu là keo. Vì vậy, suốt nhiều năm qua, cơ sở SX GCLN “mọc” lên khá rộ như “nấm gặp mưa”.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh có đến trên 130 cơ sở như vậy đang hoạt động, trong đó có 4 cơ sở quy mô lớn SX cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đó là Cty Vũ Hà, Cty Nguyên Hạnh, Cty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Trung tâm Ứng dụng KHKTCN thuộc Sở KH-CN Bình Định, số cơ sở còn lại SX bằng phương pháp giâm hom.

Điều đáng quan ngại là ngoài những cơ sở “chính danh”, được cơ quan chức năng cấp phép, còn có nhiều cơ sở “chui”. Và tất nhiên, chất lượng cây giống được SX từ những cơ sở “chui” này khó đảm bảo. Tất cả đặt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng trong việc quản lý chất lượng cây giống.

Theo quan sát của PV, dọc tuyến QL 19C đoạn qua địa phận các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), trước vụ trồng rừng thu đông 2017, hàng loạt vườn ươm, cơ sở SX CGLN đang ráo riết hoạt động để kịp cung ứng cho những hộ trồng rừng.

Bên cạnh các vườn ươm, cơ sở đầu tư xây dựng bài bản, được cấp phép, vẫn còn nhiều vườn ươm tự phát, hoạt động “chui”, SX cây giống không đảm bảo quy trình kỹ thuật. Chủ các cơ sở ươm giống không có chuyên môn kỹ thuật mà chỉ làm theo kinh nghiệm.

Tại huyện Phù Cát, qua kiểm tra có 16 cơ sở SX CGLN chưa được cấp phép, tập trung tại 2 xã Cát Trinh (13 cơ sở) và Cát Hanh (3 cơ sở). Các cơ sở này SX cây bạch đàn, keo lai bằng hạt giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là 2 loại giống không được Bộ NN-PTNT cho phép kinh doanh vì thụ phấn đồng huyết dẫn đến cây thế hệ sau kém chất lượng, chậm phát triển.

Ông Trần Văn Khổ, Phó Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, cho biết: Qua kiểm tra, toàn huyện có trên 10 vườn ươm cây giống lâm nghiệp không đảm bảo quy trình kỹ thuật, nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Cây giống được SX tại những cơ sở này không có nguồn gốc xuất xứ, không được cấp phép hoạt động. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các cơ sở tạm dừng SX, đợi qua đợt kiểm tra lại hoạt động.

Ra tay quản lý

Theo thống kê của Chi cục KL Bình Định, hiện bên cạnh các cơ sở SX CGLN quy mô lớn được cơ quan chức năng cấp phép; trên địa bàn tỉnh có trên 80% số cơ sở quy mô nhỏ hộ gia đình, công suất 200 - 300 ngàn cây giống/năm, chưa được quản lý. Hầu hết các cơ sở chưa được kiểm soát chất lượng nguồn gốc giống chặt chẽ và các quy trình SX chưa đảm bảo theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.

 Để nâng cao chất lượng rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, việc quản lý, nâng cao chất lượng CGLN được Bình Định đặt làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Ông Nguyễn Thế Dũng cho biết, đơn vị đã tham mưu Sở NN-PTNT thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hoạt động SX và thực hiện các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực SX CGLN tại các địa phương.

Các cơ sở SX CGLN ở Bình Định đang ráo riết hoạt động để kịp cung ứng cây giống trồng rừng trong vụ thu đông 2017

“Ngành chức năng quản lý chất lượng GCLN theo chuỗi hành trình. Cây giống phải có nguồn gốc từ vật liệu đến quy trình SX đến khi bán ra thị trường. Cơ sở SX phải đăng ký tại Sở NN-PTNT, ngành chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra chứng nhận nguồn giống. Khi cây giống được đưa ra thị trường phải được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận nguồn gốc của cây con”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay người trồng rừng ở Bình Định rất quan tâm đến năng suất rừng trồng, nên họ lựa chọn cây giống rất kỹ, do đó những cơ sở SX cây giống bằng phương pháp cấy mô rất “ăn khách”. Cây giống cấy mô có sức tăng trưởng rất mạnh, năng suất cao hơn cây giống giâm hom khoảng 15%, đặc biệt nó có sức chống chịu rất tốt với gió bão.

 “Trước đây, năng lực SX CGLN ở Bình Định đạt mức 200 triệu cây giống/năm, ngoài cung ứng cho người trồng rừng trong tỉnh, còn cung ứng cho các tỉnh khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, các tỉnh có phong trào trồng rừng mạnh cũng đã xuất hiện nhiều cơ sở SX cây giống, nên hiện nay các cơ sở nhỏ lẻ ở Bình Định không còn tham gia SX nữa. Những cơ sở còn hoạt động là những đơn vị có tên tuổi, đa số tuân thủ các quy định trong lĩnh vực SX GCLN. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những cơ sở SX GCLN chưa đảm bảo, chúng tôi sẽ từng bước đưa những cơ sở SX nhỏ lẻ đi vào quy củ”, ông Nguyễn Thế Dũng nói.


Giải 'bài toán' nông nghiệp công nghệ cao Giải 'bài toán' nông nghiệp công nghệ cao Vải thiều xuất khẩu sang Úc 'gặp nạn', tại anh hay tại ả? Vải thiều xuất khẩu sang Úc 'gặp nạn',…