Mô hình kinh tế Bình Thuận nuôi cá mú lồng bè ở Phú Quý gặp khó

Bình Thuận nuôi cá mú lồng bè ở Phú Quý gặp khó

Ngày đăng 22/04/2015

Bình Thuận nuôi cá mú lồng bè ở Phú Quý gặp khó

Nuôi cá mú lồng bè trước đây được coi là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao đối với người dân ở Phú Quý. Việc các hộ nuôi thu nhập vài trăm triệu đồng một năm không hiếm, dẫn đến diện tích lồng bè phát triển mạnh. Nhiều người bỏ đi biển để đầu tư lồng bè nuôi cá.

Ông Phạm Quang Dương, xã Tam Thanh người có thâm niên 18 năm nuôi cá lồng bè nhớ lại, nhà ông có 40 ô lồng nuôi với khoảng 500m2 mặt nước. Thời cao điểm với diện tích này ông thả đến 9.000 con, sau khoảng 14 - 15 tháng xuất lồng với giá cá mú Đỏ khoảng 600 ngàn đồng/kg, giá cá mú cọp 440 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông thu lợi khoảng 300 triệu đồng.

Khi đó cá mú nuôi chủ yếu để xuất khẩu, đầu ra rất ổn định, thời gian nuôi ngắn, giá thành lại cao. Chi phí thức ăn, làm bè mới và cá giống đều thấp. Do đó lợi nhuận khá cao.

Tuy nhiên thời hoàng kim ấy đã không còn nữa. Hiện việc nuôi cá mú lồng bè của các hộ gặp rất nhiều khó khăn, số hộ nuôi và diện tích nuôi giảm mạnh, nhiều hộ đã phải bỏ bè đổi nghề. Khoảng 2 năm trở lại đây nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với cá mú nuôi không cao, nên người nuôi không xuất khẩu được mà chủ yếu nuôi để phục vụ nội địa, nhưng nhu cầu cũng rất thấp.

Do tiêu thụ chậm nên thời gian nuôi kéo dài đến 18 tháng, có khi lên đến 24 tháng. Mặt khác chi phí cho việc nuôi tăng cao, nhất là giá cá giống và cá làm thức ăn (hiện cá giống 70 ngàn đồng/con cá mú đỏ, 50 ngàn đồng/con cá mú cọp). Đồng thời, giá thành cá thương phẩm thấp chỉ khoảng 350 ngàn đồng đối với cá mú đỏ, 270 ngàn đồng đối với cá mú cọp, đó là chưa kể bị thương lái ép giá... nên người nuôi những năm gần đây không có lời thậm chí là lỗ.

“Với diện tích ấy hiện tôi chỉ nuôi cầm chừng khoảng 5.000 con, trung bình mỗi năm xuất được khoảng 2 tấn, kém xa so trước đây” - ông Dương cho biết thêm. Cũng theo ông Dương, chỉ tính riêng tại khu vực Lạch Dù - xã Tam Thanh, khoảng 10 năm trước tại đây có trên 50 bè nhưng nay chỉ còn chưa đến 30 bè.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Phú Quý, hiện nay tại đảo có 70 hộ nuôi trồng thủy sản với 10.730 m2 mặt nước, trong đó chủ yếu là nuôi cá mú. Cả năm 2014 sản lượng xuất lồng cá nuôi đạt 62 tấn, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại không cao.

Trước tình hình khó khăn hiện nay của các hộ nuôi cá mú lồng bè, huyện khuyến khích người nuôi tìm con nuôi thích hợp, giá cả ổn định. Hơn nữa cơ quan chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ không cho phát triển thêm diện tích lồng bè mới do đe dọa ảnh hưởng tới môi trường và cũng là để bảo vệ các rạn san hô ven bờ.


Trở lại bám biển Trở lại bám biển Giá cá tra nguyên liệu giảm Giá cá tra nguyên liệu giảm