Biogas lan tỏa
Sau 2 năm triển khai Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), Bình Định đã cơ bản quản lý được chất thải trong chăn nuôi thông qua hầm biogas.
Hiệu quả của hầm biogas đã tạo ra sức lan tỏa lớn, nhu cầu xây dựng hầm biogas trong hộ chăn nuôi ngày càng tăng cao.
NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Hùng (ảnh), Phó GĐ Sở NN-PTNT, Giám đốc BQL dự án LCASP Bình Định, xung quanh vấn đề này.
Xin ông đánh giá sơ lược về hiệu quả của hầm biogas áp dụng trong chăn nuôi ở Bình Định?
Hầm biogas có tác dụng diệt vi khuẩn hiếu khí, chỉ có vi khuẩn yếm khí hoạt động.
Khi xả nước thải trong hầm biogas ra bể lắng, tiếp xúc với không khí, vi khuẩn yếm khí lại bị tiêu diệt.
Như vậy, đi qua chuỗi quy trình này, không còn vi khuẩn nào sống sót trong chất thải chăn nuôi.
Sử dụng hầm biogas, môi trường không còn bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi gây ra, ngành chăn nuôi trên địa bàn dần đi theo hướng phát triển bền vững.
Ngoài ra, hộ chăn nuôi còn sử dụng khí biogas làm chất đốt phục vụ đời sống như sử dụng bếp đun, máy nước nóng, chiếu sáng, chạy máy phát điện…
Thậm chí cả những hộ làm nghề ấp trứng gà, trứng vịt cũng có thể sử dụng khí biogas cho lò ấp trứng.
Đặc biệt, phát triển hầm biogas ở các huyện miền núi đã làm giảm áp lực về củi đun trong các nông hộ, góp phần làm giảm thiểu nạn phá rừng đốt than, lấy củi.
Sử dụng hầm biogas, phụ nữ các vùng nông thôn được giảm sức lao động vì không còn nấu ăn bằng củi hoặc rơm, có thời gian chăm sóc con cái.
Nhờ tác dụng của hầm biogas nên dù có thời điểm giá heo xuống thấp, người chăn nuôi không có lãi, nhưng họ vẫn duy trì đàn heo để lấy chất đốt, nhằm làm giảm chi phí mua khí gas công nghiệp hoặc mua củi, nhờ đó Bình Định luôn ổn định được đàn heo.
Ông có thể dẫn chứng sự lan tỏa của hầm biogas trên địa bàn Bình Định trong thời gian qua?
Sự lan tỏa của hầm biogas là rất lớn.
Đến nay Dự án Trung ương đã phân bổ cho Bình Định 3.600 công trình thực hiện trong 5 năm, thế nhưng do nhu cầu xây dựng hầm biogas trong các hộ chăn nuôi rất cao, do đó Bình Định đã xin thêm và được dự án Trung ương chấp thuận phân bổ thêm 900 công trình nữa, vị chi trong 5 năm Bình Định sẽ xây dựng 4.500 công trình.
Tuy nhiên, mới chỉ qua 2 năm thực hiện mà địa phương đã xây dựng được 4.300 công trình.
Mới đây, Bình Định đã tổ chức cuộc điều tra về tiềm năng sử dụng hầm biogas của hộ chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian tới, kết quả cho thấy nhu cầu còn rất cao, số lượng dự án Trung ương phân bổ chưa đáp ứng đủ.
Do đó, Bình Định tiếp tục xin thêm, dự kiến đến khi kết thúc dự án (năm 2018) sẽ xây dựng được 9.000 công trình biogas.
Có thể nói Bình Định đã rất nỗ lực thực hiện hợp phần 1 của dự án LCASP là quản lý chất thải trong chăn nuôi để có được những thành quả nói trên.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ