Mô hình kinh tế Biogas leo đồi

Biogas leo đồi

Ngày đăng 26/11/2015

Biogas leo đồi

Nhờ mạnh dạn đầu tư xây lắp công trình khí sinh học, môi trường ở đây được cải thiện rõ rệt.

Khởi nghiệp chăn nuôi với 2 con lợn nái sinh sản từ đồng vốn “còi cọc”, thế nhưng ngay từ cuối năm 2013, Phạm Văn Hiếu - chàng thanh niên khuyết tật ở vùng bán sơn địa (thuộc khu 11, xã Tiên Kiên) đã dám đầu tư 13 triệu đồng để xây hầm biogas dung tích 11 m3.

Lý giải về sự “chịu chơi” của mình khi hàng xóm láng giềng thắc mắc, anh bảo, bây giờ (thời điểm năm 2013) có thể chưa sử dụng hết công suất của hầm biogas, nhưng sau này sẽ không lãng phí.

Và chỉ sau hơn 1 năm, lời tiên đoán của người đàn ông cụt tay ấy đã trở thành hiện thực.

Đến nay, số đầu lợn nái sinh sản của anh Hiếu đã tăng lên 5 con.

Bên cạnh đó, 1 khu chuồng nuôi gà lông màu cũng hiện diện, mỗi năm xuất bán vài ngàn con và khu nuôi chim bồ câu Pháp (60 đôi), ao cá rộng 6 sào.

Trước đây, vì chuồng lợn của gia đình anh đặt ở gần đỉnh đồi, vì thế chất thải chăn nuôi chảy theo địa hình đất dốc xuống đường gây mất mỹ quan.

Giờ có hầm biogas, anh nảy ra sáng kiến cải tạo khu vườn gần chuồng trại chăn nuôi để trồng rau và dùng bã thải của công trình khí sinh học để tưới.

Không ngờ, những luống rau xanh non mơn mởn hơn cả bón phân NPK mua ngoài chợ.

Sau thành công của mô hình trồng rau, anh Hiếu đang ấp ủ một tham vọng lớn hơn, đó là phá bỏ một phần diện tích đồi keo để trồng thanh long, cây có múi giá trị cao.

Phát triển thêm quy mô chăn nuôi để dùng lượng bã thải từ hầm biogas bón cho cây.

Không chỉ riêng anh Hiếu, rất nhiều hộ gia đình ở vùng bán sơn địa Tiên Kiên cũng đã đầu tư xây lắp hầm biogas.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kiên cho biết, toàn xã có 2.500 hộ với trên 7.000 nhân khẩu.

Hoạt động chăn nuôi của địa phương những năm gần đây phát triển nhanh.

Hiện có 10 trang trại chăn nuôi và trên 1.000 mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, hầu hết hộ gia đình nuôi từ 3 con lợn nái sinh sản trở lên đều đã đầu tư xây dựng hầm biogas.

Riêng từ đầu năm đến nay có thêm 20 hầm đi vào hoạt động.

Những trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc nào không làm, UBND xã chỉ đạo cán bộ thôn tăng cường đôn đốc để các hộ dân thực hiện.

Còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (dưới 8 con lợn/lứa), cán bộ khuyến nông có nhiệm vụ tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức để hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như ủ phân vi sinh bón cho lúa.

Ông Phan Văn Tiến, cán bộ khuyến nông xã Tiên Kiên chia sẻ, tuy là một xã bán sơn địa, nhưng dân số của xã Tiên Kiên khá đông.

Việc phát triển chăn nuôi trong khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng giờ đây, xã đã tìm ra giải pháp để khắc phục hạn chế trên, và biogas là hữu hiệu nhất.

Càng thuận lợi hơn khi Bộ NN-PTNT thực hiện dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, hỗ trợ mỗi hộ xây lắp hầm biogas 3 triệu đồng/hầm.


Vành đai chăn nuôi biên giới phía Bắc Vành đai chăn nuôi biên giới phía Bắc Đu đủ xen đậu tương Đu đủ xen đậu tương