Bỏ đói để trị bệnh gan tụy cho tôm nuôi
Nguồn nước bị xâm nhập mặn khiến tôm nuôi phát sinh bệnh gan tụy, một loại bệnh “vô phương cứu chữa”, thế nhưng người nuôi tôm Bình Định có cách điều trị khá độc đáo.
Người nuôi ở Bình Định chăm sóc tôm nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, năm 2019 vừa qua trên địa bàn tỉnh này rất vắng mưa, chẳng có lũ lụt, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các vùng ven biển bị xâm nhập mặn. Thượng nguồn cạn kiệt nước không thể bổ sung về hạ du, độ mặn nguồn nước nuôi tôm tăng cao khiến tôm nuôi phát sinh bệnh gan tụy.
“Ngành chức năng dự báo tôm nuôi trong năm nay sẽ gặp khó vì dịch bệnh phát sinh nhiều. Bước vào vụ nuôi đầu năm 2020, chúng tôi đã khuyến cáo người dân nên thả nuôi mật độ thấp, 40 con/m2 để hạn chế dịch bệnh. Ấy vậy mà hiện nay tôm nuôi vụ 1 ở một số vùng nuôi của huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước đang bị bệnh gan tụy hoành hành”, ông Tâm cho hay.
Cũng theo ông Tâm, bệnh gan tụy trên tôm nuôi do virus gây ra, chưa có thuốc đặc trị, người nuôi chỉ có thể phòng bệnh chứ khi tôm đã dính bệnh rồi là vô phương cứu chữa.
“Độ mặn của nguồn nước trong ao nuôi càng thấp thì càng hạn chế được sự phát triển của virus gây bệnh gan tụy cho tôm nuôi. Độ mặn trong ao nuôi từ 10/1.000 trở lên thì lúc ấy virus bệnh gan tụy phát triển cấp số nhân bắt đầu hoành hành trên tôm. Khi tôm dính bệnh không có biểu hiện lâm sàng. Mình thấy tôm vẫn khỏe mạnh, bơi lội ăn uống bình thường, nhưng chúng có thể ngửa bụng chết bất cứ lúc nào. Cứ vậy chúng chết dần chết mòn, nếu không hạn chế được là tôm chết trắng hồ”, anh Phạm Văn Chạy, người nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), cho biết.
Anh Chạy minh họa thêm: “Bệnh gan tụy trên tôm nuôi giống như bệnh Covid – 19, hiện chưa có thuốc đặc trị. Muốn hạn chế dịch bệnh lây lan chỉ có cách thả nuôi mật độ thấp, giống như biện pháp “giãn cách xã hội” mà con người đang áp dụng để phòng chống dịch bệnh Covid – 19 hiện nay”.
Vụ 1 năm 2020 người nuôi tôm ở Bình Định thả nuôi hơn 2.100ha diện tích mặt nước, lịch thời vụ thả giống từ tháng 2 đến tháng 4 tùy từng vùng nuôi. Bất thuận về thời tiết đã khiến nhiều vùng nuôi mới thả giống vụ 1 được hơn 20 ngày thì tôm nuôi đã phát sinh bệnh gan tụy. Khi tôm đã dính bệnh gan tụy thì người nuôi chỉ còn mỗi cách đối phó là thu hoạch non để gỡ gạc. Thế nhưng tôm mới hơn 20 ngày tuổi thì mới chỉ lớn hơn đầu chiếc đũa một chút, phải 1.000 con mới cân được 1kg, thu lên bán với giá rẻ bèo thì cũng chẳng thể gỡ gạc được vốn. Thế là các chủ ao tôm đã bị dính bệnh vẫn duy trì nuôi, nhưng cho chúng ăn ít lại hoặc bỏ đói để hạn chế bệnh gây hại. Nếu tôm cầm cự đến qua giai đoạn 45 ngày tuổi là kể như thoát nạn.
Trong vụ 1/2020, nhiều vùng nuôi ở 2 huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước (Bình Định) tôm nuôi mới hơn 20 ngày tuổi đang bị bệnh gan tụy.
Anh Phạm Văn Chạy, người nuôi tôm kỳ cựu của vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), giải thích: “Giai đoạn tôm phát sinh bệnh gan tụy là từ 20 – 45 ngày tuổi, nếu tôm đã qua 45 ngày tuổi thì kể như đã loại trừ được bệnh này. Khi gan của tôm đã bị dính bệnh thì việc hấp thu, đào thải thức ăn của nó gặp vấn đề. Cho chúng ăn nhiều chừng nào thì gan làm việc nhiều chừng ấy nên càng bị tổn thương, dẫn đến vỡ gan, chết. Do vậy, khi tôm dính bệnh thì người nuôi nên cho ăn ít lại. Ví như trước đây cho ăn 10kg thức ăn thì nay chỉ còn cho ăn 5kg. Tôm chỉ còn ăn 1/2 thức ăn so với nhu cầu nên gan làm việc ít hơn, bệnh không tăng nặng. Thậm chí có thể bỏ đói chúng 5 – 10 ngày cũng không sao, chúng có thể bị ảnh hưởng đến phát triển nhưng vẫn sống. Đến khi vượt được ngưỡng 45 ngày tuổi thì kể như tôm đã có thể tự kháng được bệnh gan tụy, lúc ấy cho tôm ăn trở lại để tiếp tục phát triển”.
Bằng kinh nghiệm của người đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm, anh Phạm Văn Chạy, cho rằng biện pháp điều trị tôm bị bệnh gan tụy bằng cách cho ăn ít lại hoặc bỏ đói có hiệu quả đến 70%. Anh Chạy đưa ra ví dụ: Nếu ao nuôi thả 20 vạn tôm giống (200.000 con), sau khi tôm dính bệnh, chỉ cần duy trì được 30% đàn, khoảng 6 vạn (60.000 con) là đã thành công. Tôm còn lại trong ao nuôi càng thưa thì sẽ càng phát triển tốt hơn, khi thu hoạch đạt trọng lượng 40 con/kg sẽ bán được giá cao, ít nhất cũng gỡ gạc được từ 60 – 100 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ