Bò Lai Sind-Hướng Đi Thích Hợp Cho Người Chăn Nuôi
Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi bò lai Sind đã được người nông dân trong toàn tỉnh Quảng Bình “ưa chộng” vì không những thời gian sinh trưởng nhanh, ít bệnh tật, mà giá thành bán ra thị trường cũng cao hơn nhiều so với bò thường. Chăn nuôi bò lai được xem là hướng đi thích hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho người nông dân.
Góp phần xóa đói giảm nghèo
Từ việc chăn nuôi bò theo kiểu thêm thu nhập, giải quyết thời gian lao động nông nhàn, nhiều hộ gia đình ở xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) đã thay đổi và chuyển sang nuôi theo hướng hàng hóa là nuôi bò thịt để xuất bán, tạo nguồn thu cho gia đình đã và đang trở thành hướng làm giàu mới.
Ông Cao Xuân Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Hóa, phấn khởi cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn nhiều hộ nghèo trong địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò lai Sind.
Cơ duyên đến với bò lai Sind là năm 2012, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã cho 10 hộ nông dân nghèo trong xã vay vốn ưu đãi để nuôi bò lai Sind với tổng số vốn là 300 triệu đồng, lãi suất là 0,7% được trả trong vòng 3 năm.
Ban đầu, cả 10 hộ dân đã đầu tư nuôi bò lai sind và chỉ trong một thời gian ngắn, đàn bò của các gia đình đều sinh trường tốt và cho thu nhập ổn định nhờ đó hầu hết 10 hộ dân đều vươn lên thoát nghèo.
Mỗi con bò lai có giá ít nhất là 15-20 triệu đồng so với bò vàng thường chỉ có giá 10-12 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ gia đình còn làm giàu từ chính việc chăn nuôi bò lai Sind. Điển hình như gia đình ông Lương Viết Liên, Lê Anh Sòng, Cao Xuân Thành, Lê Mai Lý, Nguyễn Văn Thìn...
“Kinh tế của gia đình trước đây phụ thuộc vào mùa vụ là chính, chăn nuôi chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và không tập trung. Sau khi được tuyên truyền, tập huấn, tôi biết được giống bò lai Sind có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cũng đã mạnh đầu tư 24 triệu đồng để mua một con bò lai. Sau hai năm tôi đã thu được lại số vốn bỏ ra ban đầu và lãi thêm một con bò lai nữa”, ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Hạnh, Chủ tịch UBND xã Văn Hoá cho biết, Văn Hoá hiện đang có phong trào chăn nuôi bò lai rất mạnh. Tổng đàn bò hiện nay trong toàn xã có 864 con, tỷ lệ bò lai đạt trên 75%. Một số thôn như Thượng Phủ, Hà Thâu... có tỷ lệ bò lai chiếm trên 95%. “Xác định, nuôi bò lai là hướng đi thoát nghèo bền vững hiện nay nên nhiều hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn nuôi từ 4-5 con.
Cũng như Văn Hóa, nhiều hộ nông dân ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) cũng đầu tư nuôi bò lai Sind để phát triển kinh tế. Ông Trương Quốc Trị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiền Ninh cho biết, so với chăn nuôi lợn, gà hay làm mùa vụ thì bò lai Sind mang lại nguồn thu nhập gấp 2-3 lần, lại tận dụng được nguồn thức ăn là các bãi cỏ tự nhiên của địa phương.
Hiện nay, tổng đàn toàn xã có trên 900 con, trong đó, riêng thôn Long Đại có trên 300 con, với tỷ lệ bò lai gần 80%. Bò lai Sind chỉ ăn lá, cỏ, rất ít ăn lương thực nên chỉ cần chịu khó trồng cỏ là bảo đảm được nguồn thức ăn. Nhất là các xã miền núi, vùng sâu vùng xa lại càng lợi thế vì ở đây có rất nhiều đồng cỏ tự nhiên.
Anh Phan Thanh Đặng, thôn Long Đại tâm sự: “Nuôi bò lai có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc và phòng bệnh. Lại có thể chất, thể trọng tốt, rất dễ tiêu thụ, giá cả cao. Nếu chịu khó đầu tư một đến hai con bò mẹ thì trong vòng hai năm là có thể thoát được nghèo vươn lên khá giả”.
Cần nguồn cung cấp giống ổn định
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã triển khai được 11 dự án về chăn nuôi bò lai với nguồn vốn trên 3,3 tỷ đồng, từ 300 con bò mẹ ban đầu đã sản sinh ra trên 1.000 bò bê có chất lượng, góp phần tăng tổng đàn và nâng cao thể chất, thể trọng đàn bò tỉnh nhà. Nuôi bò lai Sind là hướng đi mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân tuy nhiên để phát triển được đàn bò lai cho năng suất cao đang còn gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức.
Ông Vũ Thanh Bình, Ban kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết, hiện nay tổng đàn bò trong toàn tỉnh là 86.383 con, trong đó bò lai Sind chỉ mới chiếm 30% trong tổng số đàn bò, cần phải nâng tổng đàn lên thành 60% mới mong phát triển chăn nuôi bò lai theo hướng bền vững được.
Theo nhận định của ông Bình thì dù có một số vùng đã phát huy được hiệu quả của nuôi bò lai, nhưng nhìn chung trên bình diện toàn tỉnh người nông dân vẫn còn mang trong mình lối tư duy cũ và còn bảo thủ nên chỉ nuôi bò vàng chứ việc chăn nuôi bò lai chưa phổ biến. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi còn hạn chế.
Đồng thời, chăn nuôi bò theo hướng tập trung hàng hoá mới chỉ dừng lại ở mô hình, cơ cấu giống chưa hợp lý nên sản phẩm phân tán, khó tập trung, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, tập quán chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó để mở rộng thị trường, phần lớn chỉ mới cung cấp được thị trường nội địa chứ chưa thể xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với một số thách thức lớn về vốn, kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi bò lai Sind.
Theo ông Bình, để có thể đưa việc chăn nuôi bò lai Sind thành hướng phát triển bền vững, lâu dài và ổn định cuộc sống của người nông dân thì trên địa bàn tỉnh ta phải thành lập một trung tâm cung cấp giống bò và hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân.
Thực tế hiện nay, nguồn cung cấp giống bò còn thiếu và đạt chất lượng chưa cao khi giống chủ yếu là “dân tự mua của dân”. Đồng thời, người nông dân phải được trang bị đầy đủ các kiến thức về cách chăm sóc bò lai Sind vì theo phân tích của ông Bình thì người nông dân vẫn chưa chịu khó trong một số khâu như phối giống, thụ tinh nhân tạo. Trong quá trình chăn thả bò đực của ta còn quá nhiều nên việc phối giống để sinh ra bò lai Sind rất khó thực hiện...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển, khai thác hiệu quả chăn nuôi bò lai sind, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích hộ chăn nuôi quy mô vừa, chủ trang trại, gia trại mở rộng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình “Sind hoá” đàn bò và chủ động cung cấp con giống chất lượng tốt, an toàn cũng như tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ