Bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý để tránh mất giống tại Phú Yên
Ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên lưu ý các địa phương gieo sạ vụ lúa ĐX 2020-2021 ở những vùng trũng thấp cần bố trí thời vụ hợp lý, tránh mất giống.
Sở NN-PTNT Phú Yên lưu ý các địa phương bố trí gieo sạ vụ Đông Xuân 2020-2021 hợp lý, tránh mất giống. Ảnh: KS.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh sẽ gieo sạ trên 26.500 ha. Trong đó đối với khu vực chủ động tưới trong hệ thống thuỷ nông các hồ đập, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12 đến 10/1. Và, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện cụ thể bố trí gieo sạ gọn, tập trung theo từng vùng, để thu hoạch lúa khoảng trung tuần tháng 4/2021.
Còn các khu vực cao, ngoài hệ thống thuỷ nông các hồ đập thuộc các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Sông Cầu, Đông Hòa có thể tiến hành gieo sạ từ đầu tháng 12.
Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc huyện Tuy An, TX. Đông Hòa, TP Tuy Hòa... khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1-10/1 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Sở NN-PTNT Phú Yên đề nghị các địa phương đẩy mạnh sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn, tối thiểu từ cấp xác nhận hoặc tương đương trở lên. Đồng thời, áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ ít hơn 100 kg/ha; vùng chủ động tưới tiêu nước có thể sạ theo hàng, sạ thưa với lượng giống 60-80 kg/ha và lượng 40-50 kg/ha đối với giống lúa lai.
Việc bà con gieo sạ được khuyến cáo sử dụng bộ giống lúa ngắn ngày, trung ngày có năng suất và chất lượng cao. Các giống lúa chủ lực ĐV108, ML48, ML213, ML49; các giống bổ sung OM6976, Đài Thơm 8, HT1, OM2695-2, Thiên Hương 6 (QNg6), An Sinh 1399 (ANS1), TBR45, CH133,…
Ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao; giống lúa chịu mặn, chịu hạn ở những vùng thường bị xâm nhập mặn, thiếu nước. Áp dụng các biện pháp thâm canh, giảm lượng giống gieo sạ.
Các địa phương cần rà soát, quy hoạch vùng lúa sản xuất thâm canh, chất lượng theo hướng hàng hóa; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi; sản xuất theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tại cuộc họp tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2020 và triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2020 – 2021 mới đây, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, để triển khai vụ Đông Xuân 2020-2021 thuận lợi, Sở yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, UBND các huyện, thị xã, TP có kế hoạch khẩn trương thực hiện sửa chữa, tu bổ kênh mương, điều tiết nước tưới tiêu khoa học, đảm bảo nguồn nước cung cấp để gieo sạ; đồng thời chủ động công tác dự tính, dự báo để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó kịp thời với điều kiện khí tượng, thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp.
“Các địa phương cần rà soát diện tích sản xuất lúa, chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất theo từng xứ đồng cụ thể. Đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước cần xây dựng phương án phòng, chống hạn, đặc biệt là các huyện như Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An.
Những diện tích trũng thấp cần bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý để tránh mất giống đầu vụ; đối với những diện tích lúa có khả năng bị hạn, kém hiệu quả cần tiếp tục vận động chuyển đổi sang những cây trồng cạn tiêu thụ ít nước hơn, có hiệu quả cao hơn”, ông Tùng lưu ý.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, để phòng trừ dịch hại trên cây trồng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện công tác phòng trừ dịch hại. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng các chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “công nghệ sinh thái”; tích cực hưởng ứng chiến dịch “tháng diệt chuột” hàng năm. Tập trung quản lý cỏ dại, chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ; phổ biến các biện pháp diệt cỏ, chuột và ốc bươu vàng có hiệu quả để nông dân biết, thực hiện. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu, giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa và các đối tượng dịch hại để chủ động quản lý và phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Cụ thể là rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh thối thân…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ