Tin nông nghiệp Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là đất đai

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là đất đai

Tác giả Hải Phong, ngày đăng 03/11/2016

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là đất đai

Đánh giá chính sách đất đai vẫn là nút thắt lớn nhất cản trở quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này để thúc đẩy tái cơ cấu.

Trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 2.11, đã có gần 30 ý kiến thảo luận, trong đó đa phần đề cập tới lĩnh vực nông nghiệp trước khi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đứng lên giải trình.

Nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp thấp

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tái cơ cấu nông nghiệp trong 30 năm qua đã có kết quả từ nền nông nghiệp bao cấp tập trung đến một đất nước sản xuất lương thực thực phẩm đủ cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu 30 tỷ USD. Sau 3 năm thực hiện, theo Bộ trưởng Cường, về nhận thức từ T.Ư tới tỉnh thành, nhân dân, doanh nghiệp đã có chuyển biến đồng bộ.

Trong ảnh: Điểm nghẽn cản trở tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn là đất đai (ảnh minh họa). Ảnh: L.H.T

Bộ trưởng cũng chia sẻ, hầu hết các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu, nhiều nơi tiến hành thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số ngành hàng lớn đã có những cơ sở căn bản để hội nhập. Ví dụ như, chăn nuôi lợn đã hoàn thiện bước cơ bản ban đầu, về giống đã nhập về những giống tiên tiến trên thế giới. Sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phát triển mạnh với tiềm năng 20 triệu tấn/năm, giá thành và công nghệ đều tiệm cận với thế giới. Ngành thủy sản, có các mặt hàng tôm nước lợ và cá tra đều tiếp cận và sẵn sàng hội nhập. Ngành sữa có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 2 con số trong nhiều năm nay, hiện sữa của Việt Nam đã xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành NNPTNT, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có một số bất cập lớn như: Sản xuất vẫn phổ biến trên quy mô hộ nhỏ lẻ, chính vì thế khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), sức cạnh tranh yếu. Thứ hai là chuỗi sản phẩm tạo ra, trừ một số mặt hàng lớn, còn lại đa phần là chế biến thô, nên cho giá trị thấp.

Thứ ba, theo ông Cường, thị trường không có tính ổn định, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro (chất lượng, chuỗi chế biến…).

Cuối cùng là nhân tố hạt nhân cho tái cơ cấu chính là các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chưa có nhiều. Theo thống kê mới chỉ có 4.000 doanh nghiệp, 12.000 HTX… trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy nhân tố chủ chốt cho tái cơ cấu còn ít.

Đánh giá về các nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra: Nhận thức về việc tái cơ cấu còn chưa phổ biến. Chính sách của ta ban hành nhiều, nhưng nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, Nghị định 61 và sau đó là Nghị định 210 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ông Cường cũng nêu rõ, nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. “Theo dự kiến, trong 5 năm nguồn đầu tư vào nông nghiệp ít nhất phải tăng gấp 2 lần, nhưng thực tế mới chỉ tăng được 1,82 lần” - Bộ trưởng Cường nói.

Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn

"Tới đây Bộ NNPTNT xác định những nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia gồm khoảng 10 sản phẩm (có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên). Ngoài ra, cũng sẽ phát triển nhóm sản phẩm có quy mô đặc thù cấp tỉnh với giá trị lớn (hàng trăm triệu USD) bởi 63 tỉnh thành đều có lợi thế riêng của mình”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Về những điểm nghẽn cản trở quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo đánh giá của ông Cường, nút thắt lớn nhất vẫn là đất đai. “Những nông dân thực thụ rất trông mong vào chỗ này. Thực tế, nhiều tỉnh, nếu nông dân tích tụ đất đai cỡ từ vài chục tới hơn 100ha, thì họ hoàn có thể tự xuất khẩu nông sản được, như ở Hưng Yên nông dân xuất khẩu lúa sang Nhật Bản, hay xuất khẩu chuối sang Nhật” - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội cho sửa Điều 129 của Luật đất đai, không còn hạn điền nữa thì việc tích tụ ruộng đất mới đảm bảo ngưỡng cho phép.

“Nhiều ý kiến lo sợ tích tụ ruộng đất quá lớn khiến nông dân mất việc hoặc người nông dân mất kiểm soát. Nhưng qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy hàng chục mô hình tích tụ đất đai lớn đều hiệu quả. Người nông dân và doanh nghiệp đều tự biết tính tới ngưỡng đủ, không bao giờ tích tụ hơn ngưỡng. Và khi đó, người nông dân được thuê làm sẽ trở thành công nhân nông nghiệp, thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng tùy từng vùng” - Bộ trưởng chia sẻ.

Nút thắt thứ 2 chính là chính sách, Bộ trưởng đề nghị chỉnh sửa 3 nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mạnh hơn.

Nút thắt cuối cùng là đầu tư nguồn lực. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải có gói đầu tư trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư trực tiếp tới 63 tỉnh thành thì mới giải quyết căn cốt câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp ở từng địa phương.


Đánh thức tiềm năng làm giàu của nhà nông ven biển Đánh thức tiềm năng làm giàu của nhà… Du học thành công, nông dân đầu tư làm ăn lớn Du học thành công, nông dân đầu tư…