Mô hình kinh tế Bội Thu Vụ Tôm Cuối Năm

Bội Thu Vụ Tôm Cuối Năm

Ngày đăng 16/01/2014

Bội Thu Vụ Tôm Cuối Năm

Bà con nuôi trồng thủy sản huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rất phấn khởi khi mùa tôm vụ cuối năm thắng lớn. Theo ông Phạm Văn Chí, một hộ nuôi thành công tại đây cho biết, hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 55-60 con/kg có giá từ 190-200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục.

Tôm thẻ chân trắng - thương phẩm của hộ ông Phạm Văn Chí, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Bà con nuôi trồng thủy sản tại huyện Xuyên Mộc quả là đã thắng lớn vụ tôm cuối năm khi đạt cả về sản lượng nuôi trồng lẫn giá bán tôm thương phẩm. Theo đó, tôm thẻ chân trắng thương phẩm kích cỡ từ 55-60 con/kg được các chủ vựa mua tại ao với mức giá hơn 190 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục vì so với thời điểm cùng kỳ năm trước giá tôm thẻ chân trắng mua tại ao chỉ ở dao động từ 120 - 130 ngàn đồng/kg.

Việc được mùa tôm là nhờ vào công tác phòng chống bệnh dịch và ý thức chấp hành khung lịch mùa vụ, quản lý nguồn nước xả thải, sử dụng thức ăn của ngư dân được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, nguồn cung giống tôm thẻ chân trắng thời gian qua tương đối ổn định, giá cả hợp lý.

Theo Chi cục Thú y, Nuôi trồng thủy sản tỉnh thì trong năm 2013, tuy tình hình dịch bệnh có phần thuyên giảm hơn so với các năm trước, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra một số đợt dịch bệnh trên tôm tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Bệnh dịch đã làm thiệt hại khoảng 28,63ha tôm nuôi công nghiệp mà chủ yếu xảy ra trên tôm thẻ chân trắng. Các kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn đều cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng và hội chứng hoại tử gan tụy.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn thì mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch, cộng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay, thì người nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nước lợ nói riêng phải rất cẩn trọng trong hoạt động sản xuất của mình.

Sau khi kết thúc thắng lợi vụ nuôi 2013, bà con đã và đang chuẩn bị cải tạo ao nuôi, tiến hành các bước xử lý môi trường, diệt tạp, lấy nước để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Trong thời gian này, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, phải thực hiện tốt khâu xử lý nền đáy, phơi và cải tạo ao theo đúng quy trình, đồng thời khuyến cáo bà con chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về khung lịch mùa vụ, về công tác phòng chống bệnh dịch cũng như quản lý chăm sóc tôm nuôi.

Để hoàn thành được các chỉ tiêu năm 2014 nói chung, của ngành thủy sản nói riêng, thì rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương trong việc đưa ra các giải pháp chủ động phòng tránh một số bệnh trên tôm. Trong đó chú trọng công tác giám sát vùng nuôi thủy sản, công tác quan trắc cảnh báo môi trường nhằm kịp thời đưa ra các khuyến cáo cho người dân, hướng dẫn thực hiện đúng khung lịch mùa vụ, quản lý chặt chất lượng con giống – một yếu tố quan trọng quyết định phần lớn sự thành bại của vụ nuôi.

Song song với các giải pháp nêu trên thì rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong ban hành các chính sách như tiếp tục đẩy mạnh việc khoanh, giãn và ưu tiên nguồn vốn mới cho người dân nuôi thủy sản, tăng cường công tác hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP, làm kênh mương dẫn nước mặn phục vụ cho vùng nuôi trọng điểm Phước Thuận trong mùa mưa nhằm góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh nói chung, của Ngành thủy sản nói riêng trong năm 2014 và các năm tiếp theo.


Nghiệm Thu Đề Tài Đánh Giá Tác Động Nghề Nuôi Tôm Hùm Tại Khánh Hòa Nghiệm Thu Đề Tài Đánh Giá Tác Động… Làng Nuôi Cá Lăng Ở Xã Hòa Phú (Đắk Lắk) Làng Nuôi Cá Lăng Ở Xã Hòa Phú…