Mô hình kinh tế Bốn Nhà Liên Kết Chống Rầy

Bốn Nhà Liên Kết Chống Rầy

Ngày đăng 04/04/2011

Bốn Nhà Liên Kết Chống Rầy

Trong bối cảnh rầy nâu gây hại trên diện rộng, nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt 8,62 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân lãi từ 23 đến 24 triệu đồng mỗi ha. Ðó là kết quả vụ đông xuân 2006 - 2007 theo quy trình kiểm soát rầy nâu tại một số địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chống rầy như chống giặc

Bước vào sản xuất vụ đông xuân 2006 - 2007, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với rầy nâu mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Vào thời điểm gieo sạ đại trà nhưng toàn khu vực có hơn 50 nghìn ha lúa bị rầy. Hàng nghìn ha nhiễm bệnh nặng phải tiêu hủy. Vụ sản xuất chính mất mùa, không chỉ hàng triệu nông dân gặp khó khăn mà an ninh lương thực cũng bị ảnh hưởng.

Tháng 11-2006, tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn, Quyền Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng 20 cán bộ khoa học, vào Nam Bộ với quyết tâm tìm cách chiến thắng rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Tại các tỉnh Long An, Bến Tre..., mô hình "bốn nhà" (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) liên kết chống rầy hình thành: Các nhà khoa học hướng dẫn, trực tiếp cùng nông dân thực hiện quy trình kiểm soát rầy nâu trên đồng ruộng; Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang bảo đảm cung cấp miễn phí vật tư nông nghiệp cho nông dân thực hiện quy trình. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật, UBND các địa phương tổ chức thực hiện; vận động nông dân tích cực tham gia.

Tại tỉnh Long An, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và xã Mỹ Tân, huyện Mộc Hóa được chọn làm nơi triển khai thực hiện quy trình "bốn nhà" kiểm soát rầy nâu trên diện tích mỗi điểm tập trung hàng chục ha. Cùng lúc, Long An còn chọn huyện Tân Thạnh là địa phương thực hiện quy trình chống rầy của Viện trên quy mô toàn huyện. Tại Bến Tre, 52 nông dân xã An Bình Tây, huyện Ba Tri tự nguyện đưa 21 ha ruộng nhà tham gia mô hình "bốn nhà" liên kết chống rầy.

Thực hiện mô hình mỗi huyện, đều có Phó Chủ tịch UBND; Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp bám đồng, bám lúa, chỉ đạo quyết liệt chính quyền xã, ấp vận động nông dân và giúp đỡ các nhà khoa học. Riêng Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang còn phát động chiến dịch "Cùng nông dân ra đồng", mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật; cung cấp miễn phí thuốc bảo vệ thực vật; cử kỹ sư nông nghiệp phối hợp chính quyền các địa phương vận động nông dân thực hiện 152 điểm trình diễn sản xuất lúa đông xuân ở các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Tiền Giang... theo quy trình kiểm soát rầy nâu của Viện Bảo vệ thực vật. Suốt mùa vụ, tại các thửa ruộng trình diễn, rầy nâu không xuất hiện, lúa không nhiễm bệnh, đã cho thu hoạch, năng suất đều đạt hơn 8 tấn/ha.

Nông dân được mùa

Mở đầu câu chuyện chống rầy thắng lợi, ông Võ Bá Trình, nông dân ấp 4 xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nói với chúng tôi "Xã tôi thuần nông, mọi chuyện ăn mặc, học hành, ma chay, cưới hỏi... đều nhìn vô cây lúa. Thất mùa hai vụ liên tiếp, nợ đìa ra. Cuối năm ngoái, nếu mấy ảnh không về, thất thêm vụ nữa chắc phải bán ruộng".

Mỹ Phú có 777 ha đất nông nghiệp, ba mặt được sông Vàm Cỏ bao bọc, phù sa nhiều, nước tưới đầy đủ. Trong điều kiện sản xuất bình thường, được mùa là cái chắc. Thế nhưng, cũng như nhiều địa phương khác trong vùng, vụ đông xuân 2005 - 2006, rầy nâu bắt đầu xuất hiện tại Mỹ Phú và đến vụ hè thu, hầu như cả xã mất mùa. Phun thuốc, rầy giảm mật số nhưng bệnh trên lúa không hết.

Vụ này khác, trên cánh đồng Mỹ Phú, nhiều thửa đã gặt, nông dân đang hối hả gom đống, tuốt hạt, cân bán, thu tiền ngay trên ruộng. Anh Nguyễn Văn Bột phấn khởi: "Ngay khi lúa còn con gái, bà con trong ấp đã biết chắc vụ này trúng lớn. Thì đến tuổi đó mà cây lúa không bị bệnh là chắc ăn đến 90% rồi. Bông như vầy, hạt như vầy, cầm chắc 45 giạ một công (9 tấn/ha). Chả bù cho năm ngoái, cũng đám ruộng này, cây lúa lùn tịt, vàng hoe, nhiều cây gốc bè ra như gốc cỏ, lá xanh mà xoắn thấy kỳ, trổ bông không nổi".

Hỏi chuyện chống rầy, anh Bột kể: "Ðầu vụ, chú Cường tiến sĩ cùng hai kỹ sư nữa về, mời xã, mời ấp họp với nông dân. Các chú nói như vầy: "Hai vụ trước bà con mất mùa là do lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bệnh này là do rầy nâu. Giữ cho ruộng không có rầy thì lúa không bị bệnh. Giữ cách nào xin bà con làm theo hướng dẫn của chúng tôi". Nói thẳng ra vậy mà bà con chịu, vui vẻ làm theo. Anh Bột nói thêm: "Mấy ảnh từ Hà Nội, lặn lội đường xa vô đây giúp mình thì vui quá đi chớ".

Tại xã Mỹ Phú, qua một vụ chống rầy, tiến sĩ Nguyễn Như Cường, cán bộ Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng hai kỹ sư trong nhóm được bà con hết sức tín nhiệm.Về Mỹ Phú, sau khi mở vài lớp bồi dưỡng kiến thức về rầy, về bệnh do rầy gây hại trên lúa; hướng dẫn bà con cách phòng trừ, nhóm cán bộ khoa học đề nghị bà con hợp tác thực hiện. 43 nông dân có ruộng liền kề với tổng diện tích gần 50 ha đồng ý thực hiện quy trình kiểm soát rầy nâu của Viện.

Vui câu chuyện, ông Nguyễn Văn Tôn, có ba ha thực hiện mô hình chống rầy kể: "Mấy chú về, mượn căn nhà giữa đồng làm "bản doanh". Ban đêm dùng đèn bẫy rầy, đếm rầy vào đèn mà biết thời điểm rầy nở rộ để né. Vận động bà con làm đất đồng loạt, xuống giống đồng loạt để tiện kiểm soát. Hạt giống trước khi gieo được xử lý bằng thuốc Cruise. Ruộng mới sạ được sáu ngày, các chú thúc bà con phun thuốc trừ rầy. 25 ngày tiếp theo còn phun thêm ba lần nữa. Khi lúa được 40 ngày tuổi, cả cánh đồng 50 ha không thấy có rầy, không cây lúa nào bị bệnh. Chắc ăn 90%".

Những vụ trước, tuân thủ phương pháp "40 ngày đầu không dùng thuốc", khi rầy xuất hiện, nông dân chưa dùng thuốc diệt ngay, chờ đến đủ mật độ gây hại mới trừ thì quá muộn. Hiện nay, rầy mang mầm bệnh, mỗi con một ngày có thể chích hút 6 - 7 nhánh lúa, mật độ chỉ dăm con trên một mét vuông là đủ cho bệnh lây lan. Lúa càng non mức độ thiệt hại càng nhiều. Do vậy, kiểm soát không để rầy nâu trên ruộng lúa, đặc biệt là trong 40 ngày đầu sau khi sạ có vai trò quan trọng, quyết định sản xuất thành công, trúng mùa lớn. Không chỉ vậy, nhiều nông dân khác làm theo cũng trúng.

Anh Huỳnh Triệu Hải, ở ấp 2, có ba công ruộng nằm ngoài mô hình kể: "Ngày nào tôi cũng đảo qua đám ruộng mô hình vài lần, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa bắt chước. Kết quả lúa tốt đều, không mắc bệnh. Gặt rồi, trừ chi phí, mỗi công (1.000 m2) lãi 2,1 triệu đồng".

Diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang rất phức tạp. Quy trình kiểm soát rầy nâu của Viện Bảo vệ thực vật và thực tế thành công của mô hình "bốn nhà" hợp tác chống rầy cần được nhân rộng.


Lập Nghiệp Từ Trồng Nấm Lập Nghiệp Từ Trồng Nấm Kinh Tế Trang Trại Ở Sóc Trăng Khởi Sắc Kinh Tế Trang Trại Ở Sóc Trăng Khởi…