Bón phân hỗn hợp cho cà chua
Cây cà chua đang được nông dân khắp cả nước trồng, từ quy mô tiêu dùng trong gia đình đến sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh yếu tố giống và chăm sóc, kỹ thuật bón phân cho cà chua đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Vườn cà chua Beef của gia đình ông Mai Văn Khẩn (phường 12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: Phan Nhân
Cà chua là cây thân thảo, mọng nước có nguồn gốc ở Peru và được thuần hóa ở Mexico. Cà chua sinh trưởng và phát triển bình thường khi nhiệt độ không khí trong khoảng 18 - 29 độ C, nhưng nếu ban ngày nóng trên 32 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C thì hoa bị rụng, không đậu quả hoặc quả kém. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với cà chua là 21 – 24 độ C, nếu nhiệt độ ban đêm thấp hơn ban ngày 4 -5 độ C thì cây cho nhiều hoa. Cà chua có 2 dạng: Sinh trưởng vô hạn và sinh trưởng hữu hạn. Phần lớn hiện nay trong sản xuất trên đồng ruộng sử dụng dạng cà chua sinh trưởng hữu hạn. Dạng cà chua sinh trưởng vô hạn được sử dụng trong các vườn nhà hoặc trong nhà xanh (plastic).
Yêu cầu về đất và dinh dưỡng
Cà chua có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là trên đất phù sa trung tính pH = 6-7, chủ động tưới và tiêu nước. Hàm lượng dinh dưỡng tính theo chất khô trong lá non vừa trưởng thành ở giai đoạn sinh trưởng đã thu được một nửa số quả là: 2,7% N; 0,5% P; 2,9% K; 0,4% Mg; 1,2% Ca; 0,3% S; 119ppm Fe; 76ppm Mn; 24ppm Zn; 7ppm Cu; 25ppm B; 0,16ppm Mo. Cây cà chua cần lượng kali gấp 5 - 6 lần và lượng đạm gấp 3,5 - 4 lần so với lân. Để tạo nên một tấn quả, cà chua lấy đi từ đất 4,48kg N; 1,19kg P2O5; 7,33kg K2O; 0,24kg MgO; 2,02kg CaO.
Thời vụ và kỹ thuật trồng
Ở vùng đồng bằng sông Hồng thời vụ chính trồng cà chua là vụ đông xuân; ở vùng cao như Đà Lạt, Sa Pa, Bắc Hà, Tam Đảo có thể trồng cà chua quanh năm. Có 3 vụ chính: Vụ sớm – gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng tháng 8 và tháng 9, thu hoạch cuối tháng 10 và tháng 12; vụ chính – gieo từ tháng 9 đến cuối tháng 10, trồng từ tháng 11, thu hoạch tháng 2, tháng 3 năm sau; vụ muộn - gieo tháng 11, trồng tháng 12, thu hoạch tháng 3 - 4 năm sau.
Làm đất, lên luống rộng 0,9 - 1,0m, cao 20 - 30cm (vụ sớm hoặc vụ xuân hè phải lên luống 25 - 40cm). Đối với cà chua sinh trưởng hữu hạn: Trồng 2 hàng dọc theo luống, hàng cách hàng 50 - 60cm, cây cách cây 30 - 40cm, tương ứng mật độ 30.000 - 39.000 cây/ha. Đối với cà chua sinh trưởng vô hạn: Trồng 2 hàng dọc theo luống, hàng cách hàng 60 - 70cm, cây cách cây 40 - 50cm, tương ứng mật độ 24.000 - 25.000 cây/ha. Tạo hốc, bón phân vào hốc, trộn đều với đất, lấp lớp đất mỏng rồi trồng cây, sau đó tưới đẫm nước và tưới nước hàng ngày cho đến khi cây bén rễ hồi xanh.
Sử dụng phân bón Lâm Thao NPK-S cho cây cà chua.
Bón phân cho cà chua theo các giai đoạn sau:
Bón lót - trước khi trồng.
Bón thúc lần 1 - sau trồng 20 - 25 ngày.
Bón thúc lần 2 - khi cây ra hoa rộ, hình thành quả.
Lượng phân bón tính trên 1ha như sau:
- Bón lót: Phân chuồng 14-20 tấn/ha; NPK-S*M1 5.10.3-8: 500 - 610kg/ha.
- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 610 - 690kg/ha.
- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 500 - 610kg/ha.
Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc Bộ (360m2) như sau:
- Bón lót: Phân chuồng 0,5 - 0,7 tấn; NPK-S*M1 5.10.3-8: 18 - 22 kg.
- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 22 - 25kg.
- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 18 - 22kg.
Đối với cà chua thu hoạch nhiều lứa quả hoặc dạng cà chua sinh trưởng vô hạn thì có thể thêm 1 lần bón thúc 3 – sau thu quả đợt 1. Lượng bón tương tự như lần bón thúc 2.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ