BRF-02-AQUAKIT Tại Quy Nhơn
Nghề nuôi tôm sú ở Thành phố Quy Nhơn đang phát triển mạnh, tập trung ở 3 vùng nuôi: Phường Nhơn Bình, phường Đống Đa và xã Nhơn Hội với 484 ha mặt nước, gồm 150 cơ sở, 860 lao động. Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng ước tính mỗi năm Quy Nhơn thu hoạch được khoảng 250 tấn tôm sú thành phẩm, phần lớn là xuất khẩu, giá trị lên đến gần 2 triệu đô la Mỹ. Đó là chưa kể 100 cơ sở vừa nuôi tôm thịt, vừa sản xuất tôm giống mỗi năm bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 triệu con tôm giống, thu về trên 8 tỷ đồng. Kỹ sư Nguyễn Thị Như - Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT) thành phố - cho biết: Hiện nay thành phố có trên 100 cơ sở nuôi tôm, mỗi cơ sở có giá trị tài sản trên dưới 200 triệu đồng và thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/cơ sở.Có 2 cơ sở có giá trị tài sản tính bằng tiền tỷ và thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Có thể nói hầu hết những chủ nuôi tôm của thành phố tuy chưa giàu nhưng đều có đời sống ổn định, nhà cửa khang trang và tiện nghi sinh hoạt gia đình đầy đủ.
Nuôi Tôm - Nghề Vất Vả và Bất Trắc
Trước khi viết bài báo này, theo giới thiệu của Phòng NN - PTNT thành phố, người viết đã trực tiếp đến gặp những chủ cơ sở nuôi tôm thành đạt nhất. Họ rất nhiệt tình hướng dẫn đi thăm cơ ngơi, sẵn sàng nói về công việc làm ăn, kể cả thu nhập. Một chủ nuôi tôm lớn ở Nhơn Hội năm vừ rồi có doanh thu trên 1 tỷ đồng cho biết: "Nói thật với nhà báo, năm vừa rồi được mùa tôm, doanh thu của tôi 1 tỷ 70 triệu đồng, nhưng tính chi ly tất tần tật các khoảng chi phí ra tôi chỉ còn lãi hơn 50 triệu đồng". Trong phạm vi bài báo này người viết không thể kể hết những gian nan của người nuôi tôm mà trường hợp nói trên là điển hình. Chỉ xin tóm tắt: Anh ta vào nghề nuôi tôm đã 16 năm nay , hai năm đầu anh đầu tư 17 cây vàng nhưng đã mất trắng do dịch bệnh và lũ lụt. Ném lao phải theo lao, anh phải bán nhà, bán đất đầu tư tiếp gần 30 cây vàng nữa, đến năm thứ ba mới huề vốn, năm thứ tư mới có lãi và có thêm kinh nghiệm, kiến thức cơ bản cho nghề nuôi tôm. Nhưng từ đó đến nay, không phải năm nào cũng suôn sẻ, có năm được, năm mất; bù qua bù lại nói chung là được. Nghề nuôi tôm, theo anh chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Mọi tài liệu kỹ thuật, quy trình nuôi đã có sẵn; Nhưng chuyện mất mùa do dịch bệnh, do thiên tai thì chẳng có ai lường trước được. Vấn đề quan trọng khi quyết định bước vào nghề nuôi tôm là phải trường vốn, phải to gan, thua keo này phải kiên trì bày keo khác. Người bé gan chỉ cần mất mùa 2 năm liên tiếp, cạn vốn sẽ đâm kinh hoảng, bỏ cuộc và sẽ trắng tay...
Tương Lai Nào Cho Nghề Nuôi Tôm ở Quy Nhơn ?
Trong số 484 ha mặt nước nuôi tôm ở Quy Nhơn hiện nay, phần lớn là nuôi bán thâm canh (422 ha), nuôi quảng canh có trên 40 ha và chỉ có 20 ha ở vùng Nhơn Hội, Đống Đa bước đầu được nuôi theo lối thâm canh - công nghiệp. Sở dĩ diện tích nuôi bán thâm canh còn cao là vì cách nuôi này đòi hỏi vốn đầu tư không nhiều, phù hợp với khả năng nguồn vốn của đa số chủ nuôi cơ sở. Nhưng năng suất nuôi tôm bán thâm canh không cao, ở Quy Nhơn chỉ đạt trung bình 400 - 500 kg/ha/năm. Với năng suất này dù nuôi với diện tích lớn cũng khó giàu lên được. Do vậy, những năm gần đây với sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm khuyến ngư Tỉnh và Trạm khuyến nông thành phố, nhiều hộ nuôi tôm ở Quy Nhơn đã chuyển sang nuôi thâm canh như hộ ông Ba Phát ở Nhơn Hội, ông Sang ở Nhơn Bình, ông Sĩ ở Đông Đa... Theo các hộ này thì khi nuôi tôm thâm canh, cùng với việc tăng mật độ nuôi tôm, lượng thức ăn sử dụng cũng tăng lên, chất thải của tôm cũng tăng lên (uế chất, vỏ tôm, xác tôm chết...), thức ăn dư thừa và các yếu tố môi trường khác gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sống, tăng trưởng... từ đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng tôm nuôi. Để xử lý những vấn đề trên phải tiến hành nhiều giải pháp kỹ thuật phức tạp, nhưng quan trọng nhất để đảm bảo cho việc nuôi thâm canh đạt hiệu quả cao, bảo vệ môi trường ao nuôi là sử dụng các chế phẩm sinh học. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại chế phẩm sinh học nhưng giá thành quá đắt. Vì vậy, việc tìm ra một chế phẩm sinh học vừa phù hợp vừa rẻ tiền là một yêu cầu bức thiết đối với người nuôi tôm ở Quy Nhơn hiện nay.
Đầu năm 1999, tổng đại lý phân phối độc quyền tại Việt Nam của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt - Mỹ (có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh) đã giới thiệu với người nuôi tôm ở Quy Nhơn chế phẩm sinh học BRF-02 AQUAKIT. Loại chế phẩm này đã được Phòng NN - PTNT và Trạm khuyến nông thành phố cho áp dụng thí điểm ở một số hộ, điển hình là hộ ông Ba Phát ở Nhơn Hội. Ông Phát đã nuôi trên diện tích 5.000 m2 mặt nước, sử dụng chế phẩm sinh học BRF-02 AQUAKIT theo đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất, kết quả đã đạt được năng suất kỷ lục (ở Quy Nhơn chưa ai đạt được) là 2,6 tấn/ha. Đặc biệt là rất có hiệu quả kinh tế chi phí thấp hơn các loại chế phẩm sinh học khác, ổn định ao nuôi trong một vụ nuôi, hiệu quả liên vụ chi phí cải tạo ao rất thấp, tôm khỏe hơn, tỷ lệ tôm chêt thấp. Đầu tháng 3/2000, Phòng NN - PTNN Thành phố phối hợp với Tổng đại lý phân phối BRF-02 AQUAKIT đã tổ chức hội thảo với hơn 80 hộ nuôi tôm ở Quy Nhơn về các mô hình nuôi tôm thí điểm dùng chế phẩm BRF-02 AQUAKIT. Đa số những người tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng với chế phẩm BRF-02 AQUAKIT, nghề nuôi tôm ở Quy Nhơn đang có một triển vọng rất khả quan.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ