Bù lạch hại dưa hấu
Dưa hấu là loại cây nhanh cho thu hồi vốn nên những năm gần đây đã được nhiều bà con nông dân ở các tỉnh phía Nam ưa chuộng nên diện tích canh tác cây dưa hấu tăng lên rất nhanh, nhiều vùng chuyên canh cây dưa hấu đã được hình thành.
Phát triển nhanh, nhưng kinh nghiệm canh tác loại cây này của nhiều bà con còn hạn chế nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh. Mặt khác do được trồng tập trung chuyên canh và trồng liên tục nhiều vụ, nhiều năm trên cùng một vùng đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại rất nặng, trong đó có con bù lạch (Thrips palmi), mà nhiều nơi bà con gọi là “rầy lửa” hay bọ trĩ.
Thực tế đồng ruộng trong những năm gần đây cho thấy, bù lạch có thể gây thành dịch trên diện rộng và gây thất thu rất lớn cho người sản xuất, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài dưa hấu bù lạch còn gây hại nhiều loại cây thuộc họ bầu bí như: bí đỏ, bí xanh, dưa leo, dưa lê, dưa gang...
Cơ thể của bù lạch rất nhỏ, con trưởng thành chỉ dài khoảng hơn 1mm, mầu vàng nâu, di chuyển rất nhanh. Con ấu trùng có mầu xanh lục. Chúng gây hại cho cây dưa bằng cách cả trưởng thành và con ấu trùng chích hút nhựa của đọt non, lá non, làm cho ngọn cây dưa bị thui chột, không phát triển được, nếu nặng hoa sẽ không đậu trái, hoặc nếu có đậu thì trái cũng còi cọc, chậm lớn, sần sùi và rụng sớm.
Ngoài gây hại trực tiếp, bù lạch còn là môi giới truyền bệnh virus gây bệnh khảm (Curcumber Mosaic Virus) cho cây dưa hấu, làm cho gọn cây dưa không bò lan nhanh trên mặt ruộng mà co rút lại thành một cục giống như cái đầu lân và giật ngược lên trời (vì thế ở Tiền Giang và Long An có nơi bà con gọi là “bệnh giật ngọn” hay “bệnh đầu lân”). Nếu nặng, bệnh có thể làm cho bông không đậu trái, hoặc nếu có đậu thì trái cũng chậm lớn còi cọc.
Để phòng trị bù lạch bà con có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
- Không nên trồng dưa hấu liên tục trong nhiều vụ, nhiều năm trên cùng một mảnh ruộng hay một khu vực, tốt nhất là sau khi trồng vài vụ dưa hấu, bà con nên luân canh với một vụ lúa nước hoặc những loại rau màu không thuộc họ bầu bí như các loại rau cải, hành, ngò, đậu, ớt... để cắt đứt nguồn thức ăn của bù lạch trên đồng ruộng. Đây là biện pháp rất quan trọng, nếu bà con vận động được nhiều chủ ruộng cùng làm trên diện rộng của cả một cánh đồng thì hiệu quả sẽ rất cao.
- Phủ bạt nylon trên luống dưa. Biện pháp này không những có tác dụng hạn chế cỏ dại, một số bệnh gây hại cho cây dưa, tiết kiệm lượng nước tưới... mà màu bạc của tấm bạt còn có tác dụng xua đuổi bù lạch trưởng thành đến sinh đẻ gây hại cho ruộng dưa.
- Phải kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, nhất là từ khi cây ra hoa trở đi (chú ý kiểm tra kỹ các đọt non và mặt dưới của những lá non) nếu thấy có nhiều bù lạch thì phải phun xịt thuốc kịp thời.
Về thuốc, hiện nay có khá nhiều loại thuốc trừ sâu cho cây dưa hấu, tuy nhiên để trừ bù lạch có hiệu quả cao, bà con nên sử dụng thuốc Sherzol 205EC (pha 15-20ml/bình 8 lít), hoặc thuốc Sago-Super 20EC (pha 35-40ml/bình 8 lít). Cả hai loại thuốc trên bà con xịt khoảng 4-5 bình/1.000 m2.
Do bù lạch nằm sâu bên trong đọt, vì thế bà con nên dùng bình xịt có áp suất mạnh và xịt trực tiếp lên các đọt non, lá non. Những ruộng đã bị bù lạch gây hại nặng, sau khi phun xịt thuốc, nên bón bổ sung thêm phân và chăm sóc chu đáo để cây dưa nhanh hồi phục.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ