Bức Xúc Việc Chi Trả Bảo Hiểm Tôm Nuôi
Bảo hiểm trên tôm nuôi đang là giải pháp giúp người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) giảm bớt gánh nặng rủi ro khi tôm bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền chi trả để tái sản xuất sau hơn 2 tháng tôm nuôi bị thiệt hại và được xác minh.
Theo quy trình xác minh tôm bị dịch bệnh thuộc diện chi trả của bảo hiểm trên tôm nuôi mà đơn vị Bảo Minh Cà Mau thực hiện, thì diện tích ao nuôi bị dịch bệnh được sự xác nhận theo quy trình từ UBND cấp xã, chi cục thú y, phòng nông nghiệp huyện.
Khi đủ thủ tục thì đại lý của Công ty Bảo Minh hoàn thiện hồ sơ với khoảng thời gian 30 ngày không tính ngày lễ và chủ nhật.
Ông Trịnh Hoàng Khanh, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau, cho rằng, theo quy định của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, những hợp đồng trên 200 triệu đồng thì Bảo Minh Cà Mau không đủ thẩm quyền giải quyết, mặc dù tài khoản ngân hàng của Bảo Minh Cà Mau mở thấu chi 500 triệu đồng mỗi ngày.
Ông Lâm Văn Khiếm, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm công nghiệp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, bức xúc: “Những hợp đồng lớn trên 200 triệu đồng, phía bảo hiểm phải đưa ra Bộ Tài chính ký duyệt thì công ty mới chi trả. Đây là một bức xúc rất lớn cho người nuôi tôm, bởi nếu hộ nuôi trên 10 đầm thì số tiền mua bảo hiểm trên 700-800 triệu đồng”.
Ông Khiếm cho biết thêm: “Trong văn bản hợp đồng, phía công ty bảo hiểm ghi rất cụ thể: Nếu công ty bảo hiểm bán cho chúng tôi trong 7 ngày mà chúng tôi không trả tiền bảo hiểm thì công ty sẽ cắt hợp đồng. Khi tôm tôi thiệt hại được xác minh thì trong 30 ngày không kể ngày lễ hay chủ nhật, công ty phải bồi thường thiệt hại. Nhưng thực tế nhiều hộ dân chờ bồi thường hợp đồng trên 2 tháng nhưng chưa được giải quyết”.
Ông Nguyễn Văn Khởi, thành viên HTX nuôi tôm công nghiệp xã Hoà Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đến đại lý bảo hiểm hỏi thì chỉ nhận được câu "ráng chờ thêm vài ngày” trong khi thời điểm xác minh hợp đồng từ ngày 22/1/2013. Chúng tôi không biết đến bao giờ mới được bồi thường”.
Đây là một vướng mắc trong sinh kế đối với người nuôi tôm đã mua bảo hiểm, bởi nuôi tôm là nghề duy nhất của nhiều nông dân. Không được bồi thường theo hợp đồng, người nuôi tôm không có tiền đầu tư tái sản xuất, trong khi phải mua con giống, phân, thuốc, hoá chất và thức ăn ký nợ. Nếu tình trạng này kéo dài thì người nuôi tôm trong tỉnh sẽ khó mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Do đó, các ngành chức năng cần sớm xem xét, giải quyết kịp thời những bất cập trong việc mua và bồi thường hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp cho người dân. Có như thế thì nghề nuôi tôm mới được bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ