Buồn Với Giá Lúa Hè Thu
Đó là tâm lý chung của đa số nông dân khi vụ hè thu khởi đầu không mấy thuận lợi. Sau vụ đông xuân giá lúa giảm mạnh, nhiều người kỳ vọng vụ hè thu sẽ gỡ gạc lại chút đỉnh nhưng diễn biến ở những vùng thu hoạch sớm cho thấy, có thể vụ này nông dân lại gặp điệp khúc “trúng mùa rớt giá”.
Vừa thu hoạch xong 7 công tầm cắt lúa hè thu (1 công tầm cắt gần 1.300m2) và bán được lúa tươi ngay tại ruộng nhưng ông Quản Văn Tắc (thường gọi ba Lát), nông dân ấp Cà Na (xã Lương An Trà, Tri Tôn - An Giang), không mấy vui vì lúa chỉ có giá 4.000 đồng/kg. Ba Lát cho biết, vụ này ông thu hoạch được bình quân 15 bao lúa/công tầm cắt (tương đương 750 kg/công, năng suất khoảng 5,8 tấn/héc-ta).
So với vụ hè thu năm 2012, năng suất lúa vụ này không thua kém nhưng giá bán lại thấp hơn từ 300 – 400 đồng/kg. “Mới 2 tuần trước, giá lúa tươi IR50404 bán tại ruộng còn có giá từ 4.200 – 4.350 đồng/kg nhưng hiện nay tôi bán được giá 4.000 đồng/kg cũng coi như may mắn. Có nhiều nơi lúa xấu hoặc bị đổ ngã, người dân kêu giá 3.800 – 3.900 đồng/kg, thậm chí là 3.700 đồng/kg mà thương lái vẫn không chịu mua”.
Theo lời ba Lát, với diện tích đất nhà, không kể công chăm sóc của gia đình, chi phí đầu tư sản xuất lúa không dưới 2 triệu đồng/công tầm cắt. Nếu tính theo giá lúa 4.000 đồng/kg, năng suất 750 kg/công như của ba Lát thì người trồng lúa còn lời gần 1 triệu đồng/công tầm cắt. Tuy nhiên, nếu là đất thuê (khoảng 700.000 – 800.000 đồng/công), giá lúa 3.800 đồng/kg như bình quân hiện nay thì nông dân coi như hòa vốn, lỗ công chăm sóc.
Trường hợp của ba Lát đúng là may mắn so với nông dân thu hoạch sớm lúa hè thu ở khu vực kênh Mới (còn gọi là kênh Ngô Đình Diệm), kênh Võ Văn Kiệt (T5), T6, kênh 2, kênh 3… trên địa bàn các xã Lương Phi, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Lạc Quới (huyện Tri Tôn). Đa số nông dân ở đây vẫn chọn giống lúa IR50404 bởi năng suất cao, chi phí canh tác thấp. Tuy nhiên, giống lúa này bị nhiều thương lái kiếm cớ không mua bởi lượng “cung” vượt “cầu”.
Anh Võ Văn Giai, nông dân ấp Cà Na (xã Lương An Trà), cho biết, cùng canh tác giống lúa IR50404 nhưng tình cảnh tiêu thụ ở 3 mảnh ruộng của anh đều khác nhau. Khoảng 2 tuần trước, anh thu hoạch 1 héc-ta lúa ở khu vực kênh 2, bán được giá 4.350 đồng/kg lúa tươi. Cách nay 1 tuần, anh thu hoạch tiếp 1,5 héc-ta, giá lúa rớt xuống còn 4.000 đồng/kg. Mới đây, khi anh chuẩn bị thu hoạch 5 công tầm cắt, “cò” lúa đã vào xem và đồng ý mua với giá 4.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, lấy lý do “ghe đầy”, thương lái không vào cân được nên buộc anh Giai phải chở lúa vào nhà. “Nghe tay “cò” nói giá lúa chỉ còn 3.900 đồng/kg tôi cũng đồng ý bán luôn nhưng họ vẫn chưa vào cân. Nóng lòng, tôi xả một phần lúa ra phơi, số còn lại vẫn chất đống chờ bán lúa tươi. Phân bón, thuốc trừ sâu tôi đều mua thiếu của đại lý, phải tranh thủ bán lúa trả cho họ để còn mua thiếu được vụ sau”, anh Giai bộc bạch.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, đến nay, nông dân trong huyện đã thu hoạch được khoảng 10.000 héc-ta lúa hè thu trong tổng diện tích xuống giống 40.280 héc-ta, năng suất trung bình 5,27 tấn/héc-ta. Do giá lúa thấp, sản xuất không có lời bao nhiêu nên nông dân có tâm lý không muốn đầu tư mở mới diện tích sản xuất vụ 3. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp huyện đang đẩy mạnh khuyến cáo bà con dần chuyển dịch sang trồng các loại cây màu đạt hiệu quả cao hơn như: Thanh long, bắp thu trái non, mè, đậu xanh, đậu phộng…
Không riêng gì huyện Tri Tôn, địa bàn có diện tích lúa hè thu sớm khá lớn, nhiều nông dân ở các địa phương khác như An Phú, Tịnh Biên, ngoại thành Long Xuyên… chẳng những gặp tình trạng lúa rớt giá mà còn bị thương lái “chê” không mua. Một nông dân ở phường Mỹ Hòa (Long Xuyên) than: “Mọi năm, lúa gần chín là “cò” lúa đến “đặt hàng” trước để mua lúa tươi, còn năm nay, đến lúc thu hoạch mà chẳng “cò” nào ngó ngàng tới.
Với hơn 5.000 giạ lúa (1 giạ tương đương 20kg), tôi buộc phải thuê người phơi tại ruộng rồi thuê kho trữ vào, chẳng biết bao giờ mới bán được”. Theo anh Nguyễn Tấn Trường, thương lái chuyên thu mua lúa khu vực Châu Thành, Chợ Mới, Long Xuyên, nguyên nhân lúa hè thu rớt là do lượng lúa tồn kho từ vụ đông xuân còn quá lớn trong khi các doanh nghiệp lại khó khăn trong tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu. “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn đang đóng kho không thu mua vào. Họ bảo phải chờ ký được hợp đồng xuất khẩu để giải phóng lượng hàng tồn.
Đa số thương lái thu mua lúa hiện nay chủ yếu để xay gạo chợ, tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, phần lớn người dân lại thích ăn gạo lúa cũ, nhu cầu tiêu thụ gạo lúa mới lại thấp nên lúa hè thu hiện nay rớt giá là phải”, anh Trường phân tích. Anh cho biết thêm, cùng với thông tin Chính phủ tiếp tục triển khai hỗ trợ tạm trữ lúa gạo và một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã dành được những gói thầu cung ứng gạo cho vài nước trong khu vực, hy vọng giá lúa hè thu sẽ khả quan hơn khi bước vào thu hoạch rộ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ