Mô hình kinh tế Buồn Vui Khi Vào Mùa Thu Hoạch Cà Phê

Buồn Vui Khi Vào Mùa Thu Hoạch Cà Phê

Ngày đăng 27/12/2014

Buồn Vui Khi Vào Mùa Thu Hoạch Cà Phê

Mùa thu hoạch cà phê cũng được coi là thời điểm nhạy cảm trong năm ở các tỉnh có diện tích cà phê lớn như Gia Lai khi có đến hàng ngàn người đổ về tìm việc. Áp lực thu hái kịp mùa vụ, cộng với thời gian làm việc cho mỗi gia đình khá ngắn, đại đa số lại không phát sinh hợp đồng, kiểm tra tốt nhân thân, lai lịch… đã trở thành cơ hội cho nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc liên quan tới pháp luật tìm nơi ẩn náu, nương thân…

Mùa kiếm cơm…

Là một trong những tỉnh có diện tích cà phê lớn, mỗi mùa cà phê chín, hàng ngàn lượt lao động từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung lại rồng rắn kéo nhau lên Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên để hái cà phê thuê. Công việc không khó, không mất thời gian học việc lại đem lại mức thu nhập khá, họ không mấy khó khăn để kiếm được một khoản tiền nào đó đỡ đần gia đình và lo cho cái Tết không xa sẽ về…
Mùa cà phê này là mùa thứ hai mẹ con bà Nông Thị Huệ ở huyện miền núi Chi Nê (tỉnh Hòa Bình) vào xã Ia Kla (huyện Đức Cơ) hái cà phê thuê. Cùng đoàn của bà Huệ có thêm 4 người khác, đều là gia đình, họ hàng của nhau.
Theo bà Huệ, ở ngoài Bắc quê bà mùa này ruộng vườn nhàn rồi. Nhà nào có ruộng thấp thì làm rau vụ Đông, không thì rảnh chân rảnh tay nên khi có người quen trong này gợi ý mướn vào hái cà thuê, thì đồng ý đi luôn. “Ở ngoài ấy là vùng núi, chúng tôi muốn kiếm ra việc làm thuê cũng khó. Hái cà phê được trả 150 ngàn đồng/ngày như thế này là vui lắm vì công việc không khó và nặng nhọc. Đàn ông khỏe mạnh kéo bạt, vác cà, đàn bà phụ nữ, chân tay yếu thì chỉ tuốt cà hoặc nhặt cà rơi vãi ra ngoài. Từ cuối tháng 10 tới nay tụi tôi hái được chừng 50 công mỗi người rồi, trong khi cơm nước, ăn ở thì không phải lo” - bà Huệ, nói.
Còn tốp của anh Hồ Hữu Đại (Yên Thành - Nghệ An) lại bắt đầu nhận hái cà phê thuê ngay từ giữa tháng 10. “3 anh em tui vào chỉ hái cho một trang trại cà phê nhà người ta ở xã Ia Tôr (huyện Chư Prông). Vườn rộng tới 5 ha, họ có nhà rẫy nên thuê hẳn 3 anh em vừa trông, vừa hái. Cơm nước nhà chủ lo. Mối này tui làm 3 - 4 năm nay rồi. Kết thúc vụ hái mỗi anh em cũng có được hơn chục triệu đồng đem về cho vợ con” - anh Đại, cho biết.
Không chỉ những người ngoài tỉnh, với những người nghèo và không có nhiều ruộng đất hay công việc ổn định, mùa hái cà phê cũng là dịp để họ tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Gia đình chị H’Ram (làng Quah - xã Chư Á - TP. Pleiku) là ví dụ. Nhà có tới 4 đứa con, 2 đứa lớn đều nghỉ học khi chưa học xong cấp II, giờ chỉ ở nhà, có gì làm nấy nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống khá chật vật. “Mùa này tôi đưa chúng đi cùng hái cà phê thuê cho người ta. Mỗi ngày hái 8 tiếng, cơm nước tự mang theo, chủ vườn trả tiền công mỗi người 150 ngàn đồng” - chị H’Ram, cho biết. Còn Thiên - con trai chị H’Ram, nói rằng: “Hái cà phê không khó, nhìn qua là làm được. Trước đây, em đi phụ hồ cho người ta việc vất vả hơn nhiều”.
Với người dân một số làng người địa phương ở khu vực ven đô Pleiku, mỗi mùa thu hoạch cà phê về, những người nghèo lại hợp nhau thành tốp, nhận hái cà cho các chủ vườn ở Pleiku và các địa bàn lân cận: Đak Đoa, Chư Pah, Ia Grai… H’Than - chủ một tốp gần chục người hái cà phê thuê ở làng Quah, chia sẻ: “Hái tốt là chủ quen mối, sang năm cà chín lại gọi. Gần chục năm nay mình đều duy trì mối quan hệ này với các chủ vườn. Hái theo công thì 150 - 160 ngàn đồng/ngày, hái khoán thì 80 ngàn đồng/tạ cà phê tươi.
Theo các chủ vườn, họ thích thuê hái công nhật hơn, vì e ngại khi tính khoán, người hái sẽ chạy theo sản lượng, hái ẩu dễ dẫn đến gãy cành, rơi vãi”…
Và những trăn trở
Bên cạnh đem lại cơ hội việc làm thời vụ cho hàng ngàn lao động nghèo, giúp họ kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống, thì cũng bởi sức ép từ nhu cầu tìm kiếm nhân công quá lớn đã tạo cơ hội cho một số đối tượng phạm pháp, truy nã tìm đường lẩn trốn lên đây ẩn náu, mưu sinh và gây án. Nhiều sự việc phức tạp đã xảy ra trên địa bàn do một số đối tượng này gây ra đã làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và hoang mang trong nhân dân.
Đơn cử, ngày 17-9 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Phương (trú tại tổ 3 - phường Thống Nhất - TP. Pleiku) phát hiện chị Hoàng Thị Hường (trú tại xã Vĩnh Phúc - huyện Sơn Dương - Tuyên Quang) - là người làm vườn cho gia đình ông Phương nhiều năm đã bị giết hại dã man ngay tại vườn cà phê tại làng Blang 2 (xã Ia Dêr - huyện Ia Grai). Qua công tác điều tra phá án, lực lượng chức năng đã truy tìm và bắt được thủ phạm gây ra cái chết oan nghiệt cho chị Hường không ai khác chính là tên Trần Văn Hương (SN 1972, trú tại thị trấn Củng Sơn - huyện Sơn Hòa - tỉnh Phú Yên), người mới được ông Phương nhận vào hái cà phê thuê cách đó 10 ngày. Hương là thành phần bất hảo, từng lừa đảo để lấy xe máy của chính anh vợ mình để bán lấy tiền tiêu xài…
Trong khi đó, ở các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng, Đak Nông cũng từng xuất hiện nhiều vụ án mạng đau lòng do thủ phạm là người làm thuê gây ra, như vụ giết hai vợ chồng chủ vườn cà phê sau khi nhận hai người vào làm chừng vài tiếng đồng hồ xảy ra vào niên vụ cà phê năm 2012 ở huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng (Báo Gia Lai Điện tử đã đưa tin), vụ giết người, cướp của chủ vườn cà phê ở Krông Năng (Đak Lak)…
… Với diện tích cà phê gần 79.000 ha, trong đó phần lớn đang trong thời kỳ kinh doanh cộng với khoảng thời gian thu hoạch không kéo dài nhiều khiến nhu cầu tìm lao động thu hái cà phê của người dân lớn.
Sức ép thiếu lao động, khoảng thời gian thuê không dài nên nhiều chủ vườn xuê xoa, không kiểm tra kỹ nhân thân, lai lịch người đến xin làm thuê, trong khi công tác quản lý, giám sát địa bàn tại địa phương có lúc có nơi chưa chặt chẽ khiến các đối tượng có cơ hội len lỏi kiếm sống, thậm chí khi có điều kiện thuận lợi sẽ ra tay làm điều ác.
Hy vọng rằng, mỗi người dân và chính quyền các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc xuất phát từ những nguyên nhân trên.


Điêu Đứng Trước Thông Tin Rau VietGAP “Dỏm” Điêu Đứng Trước Thông Tin Rau VietGAP “Dỏm” Trồng Gừng Trong Bao Giải Pháp Cho Người Ít Đất Trồng Gừng Trong Bao Giải Pháp Cho Người…