Cá Bống Tượng Tăng Giá Ở Cà Mau
Từ đầu năm đến nay, giá cá bống tượng luôn tăng, hiện tại đang dao động ở mức 380.000-410.000 đồng/kg. Mức giá trên đã khuyến khích nông dân nuôi lại đối tượng này sau thời gian dài “treo” ao.
Nông dân lãi lớn
Ông Lê Văn Nô, ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, vừa thu hoạch 85 kg cá bống loại I được 33 triệu đồng, lãi trên 25 triệu đồng. Ông Nô phấn khởi: “Nếu so với trước giá cá chỉ 170.000 đồng/kg thì số cá này chỉ nuôi giùm cho thương lái, công lao động của người dân trong 1 năm trời coi như bỏ sông bỏ biển. Còn hiện nay, với giá cá này, người sản xuất có lãi khá, bà con đang có niềm tin trở lại với đối tượng nuôi này”.
Sự tăng giá trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là nguồn cung giảm. Là nông dân nuôi cá chình, cá bống tượng, ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá Tân Thành Tiến, ấp 4, xã Tân Thành cũng đành bất lực trước sự biến động giá cả như hiện nay.
Ông cho biết: “Chỉ trong vài ngày mà tôi mất trên 220 triệu đồng từ 1,9 tấn cá bống các loại; trong khi đó, tôi chỉ thu được 540 triệu đồng. Cứ nghĩ giá tăng từ 170.000 đồng lên 290.000 đồng là đã cao, nhưng không ngờ chỉ qua Tết giá cá tăng đến 410.000 đồng/kg”.
Cũng theo ông Hận, nếu như trước đây cá vượt trọng lượng 700 g là loại cá “ngu”, không được thương lái mua hoặc mua số lượng ít, nhưng giờ đây loại này được mua với giá cao và mua số lượng lớn.
Giá tăng nhưng thiếu cá bán
Cứ theo chu kỳ khoảng 2 năm thì có sự đổi ngôi về giá giữa 2 đối tượng cá bống tượng và cá chình. Đây là thời điểm “thịnh” của cá bống nên người dân vùng nuôi cá Tân Thành đang tích cực thả nuôi.
Ông Nguyễn Thành Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: “Trước tình hình giá cá tăng cao, người nuôi cá trong xã đang tích cực thả nuôi tiếp nên diện tích ao nuôi tăng nhanh trở lại”. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng có thâm niên ở Tân Thành”.
Được biết, người nuôi cá bống tượng, cá chình ở các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… gần như chuyển hầu hết diện tích ao nuôi cá sang nuôi tôm.
Ông Hồ Văn Khoa được xem là “vua” cá bống, cá chình tại ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước sau biến động về giá cá nên ông cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất.
Ông nhận định: “Nếu giá cá ổn định thì người dân nuôi cá chúng tôi sống và làm giàu được bởi nuôi cá ít rủi ro, bền vững hơn con tôm. Nuôi tôm 3 tháng có thể thu tiền tỷ còn nuôi cá một năm lãi được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề là tính bền vững của mô hình nuôi cá bống tượng đang được người dân quan tâm”.
Ông Quách Dững, chủ doanh nghiệp thu mua cá bống, cá chình đầu lộ Tân Thành, cho biết: “Hiện nay, giá cá bống tăng lên từ 380.000-410.000 đồng/kg, nhưng lượng cá đã giảm mạnh. Mỗi ngày doanh nghiệp chỉ mua được từ 100-200 kg. Trước kia chúng tôi thu mua mỗi ngày từ 500 kg đến 1 tấn cá; lúc cao điểm có khi đến đến 1,5 tấn/ngày”.
Để người nuôi cá an tâm trụ vững trên mô hình cho mức thu nhập cao và ổn định thì công tác tuyên truyền, dự báo giá cả thị trường của các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa.
Đồng thời, người nuôi cá nên cân nhắc kỹ trước sự chuyển đổi từ đối tượng cá bống, cá chình sang nuôi tôm thẻ chân trắng và các đối tượng nuôi khác. Đặc biệt, khi bắt đầu mô hình mới phải trang bị đầy đủ các yếu tố như: giống, kỹ thuật, vốn... để hạn chế cảnh được mùa, mất giá và được giá nhưng không có sản phẩm để bán.
Năm 2014, Sở NN&PTNT đề ra chỉ tiêu sản lượng cá bống tượng 3.500 tấn, so với năm 2013 tăng 8,4%; cá chình 2.000 tấn, so với năm 2013 tăng 8,3%.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ